9/ Tập san thơ Hương Sen số 16 (Phần 2).

 

HƯƠNG SEN - TẬP SAN LƯU HÀNH NỘI BỘ SỐ 16

KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY BÁC HỒ RA ĐI TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC (5/6/1911 – 5/6/2011)

PHẦN 2

 

 

 

NGỌC HOA

Tháng năm, con về thăm Bác


Con về thăm Bác, Bác ơi,

Đi trong thương nhớ, đất trời bình yên

Hàng tre xanh vẫn đứng im,

Như chia sẻ phút thiêng liêng chốn này.


Tháng năm phượng đỏ trời mây,

Lời Người dặn vẫn đong đầy trong con.

Dù cho sông cạn, đá mòn

Tình yêu non nước mãi còn Bác ơi.


Miền Nam nhớ Bác không nguôi

Chưa kịp đón Bác, mà Người đi xa.

Vườn xưa trải mấy mùa hoa,

Cháu con hát những khúc ca nhớ Người.


Thầm gọi tên Bác, Bác ơi,

Bâng khuâng đứng giữa đất trời thủ đô...

 

 

 


NGỌC YẾN

Bác Hồ sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam


Nhớ ngày mồng ba tháng hai

Ngày sinh của Đảng vui thay dân mình.

Đến nay tám mốt năm sinh,

Đảng ta vĩ đại, anh minh sáng ngời.


Bác Hồ, lãnh tụ tuyệt vời,

Toàn dân đoàn kết, nơi nơi đồng lòng.

Đường đi của Bác sáng trong,

Tự do, độc lập Đảng mong giành về


Cho dân, cho nước đề huề,

Thoát vòng nô lệ, thỏa thuê hòa bình.

Việt Nam giàu đẹp vươn mình,

Hòa cùng quốc tế giữ gìn tự do.


Từ đây hạnh phúc ấm no,

Toàn dân, toàn đảng chăm lo nước nhà.

Tiên Rồng sức mạnh dân ta,

Muôn người tài đức mang ra xây đời.

 

 

 


Ngày ấy đã trăm năm


Tìm đường cứu nước bôn ba,

Kể từ ngày ấy, nay đà trăm năm.

Trải qua sóng gió bao năm,

Mùa xuân bốn mốt Bác tầm về quê.


Đấu tranh vận động giành về,

Tự do, độc lập cho quê hương mình.

Đảng ta là đảng quang vinh,

Bác Hồ lãnh đạo tài tình biết bao.


Đắp xây hạnh phúc đồng bào,

Hòa bình, dân chủ sáng màu Việt Nam.

Tiên Rồng sức mạnh muôn năm,

Hiến dâng tài đức quyết chăm nước nhà.


Văn minh giàu mạnh dân ta,

Tình người chan chứa đậm đà nghĩa nhân.

 

 

 


Sống theo tư tưởng đạo đức Bác Hồ


Suốt đời phấn đấu hy sinh,

Tự do, độc lập giữ gìn không lay.

Chủ nghĩa xã hội từ đây,

Là đường lý tưởng đắp xây quê mình.


Hành tinh xanh sạch hữu tình,

Môi trường sinh sống an bình đáng yêu.

Nhân loại hạnh phúc thật nhiều,

Trần gian lẽ sống mỹ miều quý thay.


Cùng nhau cố gắng dựng xây,

Nhân văn sáng tỏa ngất ngây hồng trần.

Luyện thân trí sáng vô ngần,

Góp công, góp sức hiến dâng đức tài.


Nước nhà gánh vác hai vai,

Cùng nhau tô điểm tình người chứa chan.

Con người sự sống bình an,

Đó là đạo đức Bác hằng chờ mong.

 

 

 


NGUYỄN THỊ THANH

Con đường Bác cho


Bác Hồ là mẹ là cha,

Là vầng nguyệt sáng, Bác là ánh dương.

Bôn ba Bác đến muôn phương,

Tìm đường cứu nước, con đường tự do.


Độc lập, hạnh phúc ấm no,

Con đường Bác chọn, để cho muôn đời.

Cháu con ơn Bác đời đời,

Những lời Bác dạy, ta thời mãi ghi.


Vững vàng mỗi bước chân đi,

Làm theo lời Bác quản gì khó khăn.

Bước đường còn lắm gian nan,

Nhớ lời Bác dạy lòng càng hăng say.


Cùng nhau tay nắm chặt tay,

Dựng xây tổ quốc mỗi ngày đẹp hơn.

Muôn đời con cháu nhớ ơn,

Tự do, độc lập, giang sơn mạnh giàu.

 

 

 


Nhớ đến Bác


Nhớ đến Bác lòng ta thầm nhắc nhở,

Sống làm sao không hổ thẹn lương tri.

Dù giàu nghèo chẳng tính toán chi ly

Cùng chia sẻ cho tâm hồn thanh thản.


Dẫu khó khăn nhất thời không nản,

Lời Bác Hồ, quyết chí sẽ thành công.

Hãy cùng nhau chung sức chung lòng,

Xây dựng non sông muôn đời tươi đẹp.

 

 


PHAN LIÊN KHÊ

Cảm xúc tại bến Nhà Rồng


Nắng lên thêm đẹp dáng Nhà Rồng

Mùa hạ đã về với bến sông.

Đàn cháu xinh tươi, tà áo trắng,

Đài hoa thơm ngát, đóa sen hồng.


Dựng xây tổ quốc cùng chung sức,

Bảo vệ sơn hà nguyện góp công.

Xao xuyến, bâng khuâng nhìn sóng nước

Nhớ Người về với cõi mênh mông.

 

 

 


Ngày vui, nhớ Bác


Ngày vui trên bến Nhà Rồng,

Bâng khuâng thương nhớ, nhìn dòng nước trôi.

Một trăm năm đã qua rồi,

Còn in bóng Bác, đất trời phương Nam.


Nhớ thời nước mất, nhà tan,

Nhân dân đói khổ, bần hàn, đau thương.

Một lòng giải phóng quê hương,

Ra đi thề quyết tìm đường đấu tranh.


Dấn thân chẳng tiếc tuổi xanh,

Người trai chí lớn Tất Thành – Văn Ba.

Ngày đêm nhớ nước thương nhà,

Mênh mông sóng vỗ, toàn là biển khơi!


Bước chân đi khắp mọi nơi,

Đâu còn nô lệ, đâu trời tự do.

Làm sao áo ấm cơm no,

Làm sao khôi phục cơ đồ Việt Nam?


Đây rồi ánh nắng chứa chan,

Từ Liên Xô của vinh quang Tháng Mười,

Vầng dương tỏa sáng khắp nơi,

Soi đường, dẫn lối muôn người đứng lên.


Bác Hồ gặp Mác – Lê nin,

Con đường cách mạng, niềm tin sáng ngời.

Đường về tổ quốc xa xôi,

Cẩm nang giải phóng theo Người từ đây.


Đồng bào lao khổ bấy nay,

Không cam nô lệ, đến ngày vùng lên.

Phá tan xiềng xích thực dân,

Diệt quân đế quốc xây nền tự do.


Hy sinh vô bến, vô bờ

Máu rơi tô thắm ngọn cờ vàng sao.

Qua thời đất nước gian lao,

Quê hương đổi mới, vui nào vui hơn?


Nhớ lời: “Còn nước, còn non…”

Ngày nay lớp lớp cháu con của Người

Dựng xây tổ quốc đẹp tươi,

Chắc tay súng giữ biển trời quê hương.


Nhìn dòng sóng nước mênh mông,

Bâng khuâng, xao xuyến, nhớ thương Bác Hồ.

 

 

 


Trên bến Nhà Rồng

Theo điệu Lý tứ đại, dân ca Nam Bộ

Viết lời: Phan Liên Khê


1

Con đến bên Nhà Rồng

Trong nắng xuân tươi hồng

Thỏa niềm ước mong

Bầu trời xanh trong

Muôn cánh mai đua nở

Như nhắc nhở nhớ thương trong lòng

Hình Bác bên Nhà Rồng

Ngàn năm đứng bên dòng sông

Trời Nam, cháu con Lạc Hồng

Còn đây nước non vẻ vang.


2

Trong nắng xuân chan hòa

Nam Bắc chung một nhà

Rộn ràng tiếng ca

Đẹp cùng sắc hoa

Trong đấu tranh gian khổ

Máu đã đổ đắp xây sơn hà

Theo tấm gương Cha già

Dựng xây nước non của ta

Ngàn năm nhớ ơn không nhòa

Đẹp tươi nước non của ta.

 

 


QUANG TRỤ

Nghe thơ Bác Hồ


Lời thơ Người mãi ngân vang,

Vẳng nghe thơ cứ rộn ràng trong con.

Cây nhiều lộc thắm chồi non,

Thơ Người dào dạt sóng cồn đại dương.


Lời thơ là biển tình thương,

Thơ Người trong sáng như gương rạng ngời.

Nghe thơ Bác nhớ suốt đời,

Hồn thơ đọng mãi lòng người Việt Nam.


Người đưa lịch sử sang trang,

Tự hào đất nước vẻ vang hòa bình.

Toàn dân được sống văn minh,

Noi gương Người trọng nghĩa tình quê hương.


Bác như ngọn đuốc soi đường,

Cho dân tộc cả tình thương của Người.

Chúng con ơn Bác suốt đời,

Nguyện sao xứng đáng là người Việt Nam.

 

 

 


THÚY MINH

Viếng lăng Bác


Một ngày xuân nắng ấm

Con về thăm Thủ đô

Để được gặp Bác Hồ

Bình yên trong giấc ngủ.


Dòng người đi thật nhẹ

Con cũng bước thật êm

Để được nhìn Bác thêm

Vị cha già dân tộc.


Lệ tràn trên đôi mắt

Ôi người Cha kính yêu,

Muốn nói nên bao điều

Nhưng cổ con nghẹn lại.


Như nghe lời Bác nói:

“Chào các cháu Miền Nam…”

Con chưa hết bàng hoàng

Nhìn lên nhìn Bác ngủ.


Con đáp lời nói nhỏ:

Kính chúc Bác ngủ ngon!

Bảy mươi chín mùa xuân,

Lo cho dân, cho nước.


Còn Bác sao cũng được.

Vẫn bộ áo bạc màu,

Chân mang đôi dép râu

Đi thăm từng đồng lúa.


Sữa Bác nhường em nhỏ,

Lụa Bác để tặng già...

Ôi! Lòng Bác bao la

Nhìn Bác, con thương quá!

 

 

 


THÚY YÊN

Từ Nhà Rồng Bác ra đi


Nhà Rồng cất bước Bác đi xa,

Chẳng quản gian nan, cứu nước nhà.

Đến tận trời Âu, học hỏi họ,

Sang bên nước Pháp, tìm đường qua.


Vạch trần tội ác quân xâm lược,

Tố cáo thực dân cướp nước ta.

Luận thuyết Mác – Lê, vầng nhật nguyệt

Soi đường giải phóng, vượt phong ba.

 

 

 


TÙNG SƠN

Ngàn năm thương nhớ Bác Hồ


Ngàn năm thương nhớ Bác Hồ,

Suốt đời tranh đấu điểm tô sơn hà.

Công lao của vị cha già

Cứu dân, cứu nước vượt qua tù đày.


Cuộc sống giản dị xưa nay,

Cần, kiệm, liêm, chính khó ai bằng Người.

Chí công học Bác cả đời,

Vô tư đức tính rạng ngời mai sau.


Tác phong, quan điểm nêu cao,

Gần dân hiểu được nỗi đau người nghèo.

Thương dân, Bác vượt núi đèo,

Sát dân chia sẻ, ai theo kịp Người?


Văn thơ Bác viết tuyệt vời,

Danh nhân thế giới rạng ngời tổ tiên.

Câu từ viết rất tự nhiên,

Nội dung dễ hiểu tài riêng Bác Hồ.

 

 

 


Viếng lăng Bác Hồ


Đoàn người viếng Bác buổi chiều đông

Bước tới thềm hoa ngắm dáng Rồng.

Khép chặt đôi mi không ngắt lệ,

Vòng quanh thân thể, buốt tê lòng.


Một đời dâng hết vì non nước,

Vạn kiếp mãi còn với núi sông.

Bốn biển, năm châu toàn thế giới,

Việt Nam nêu mãi mặt trời hồng.

 

 


Tham khảo


ĐỂ NÂNG CAO HƠN CHẤT LƯỢNG NGHIÊN CỨU THƠ CHỮ HÁN CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Giáo sư Nguyễn Đình Chú


Đây là vấn đề tưởng như đã cũ, đã quen, nhưng thực ra vẫn còn mới, còn lạ, ít ra là với người viết bài này. Từ năm 1960 đến nay, đúng bốn chục năm rồi, thơ Hồ Chí Minh đã là một hiện tượng thơ đặc biệt trong đời sống văn hóa tinh thần, đời sống thơ của đất nước. Nó là món ăn tư tưởng – nghệ thuật vô cùng quý giá đối với người Việt Nam đã đành, mà còn với nhân loại tiến bộ. Do đó đã có không biết bao nhiêu sách báo viết về thơ Hồ Chí Minh. Nói đã cũ, đã quen là bởi thế. Nhưng trực tiếp đi thẳng, đi riêng vào vấn đề thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh thì xin hỏi đã có bao nhiêu công trình ngoài phần dịch thơ và bàn luận chung quanh việc dịch thơ chữ Hán đó cùng với một số bài không nhiều so sánh thơ chữ Hán của Bác với thơ Đường, thơ Tống của Trung Hoa. Tất nhiên ai cũng thấy đã nói đến thơ Bác, trong thực tế, chủ yếu cũng là nói đến thơ chữ Hán của Bác. Nhưng cái gọi là thơ Hồ Chí Minh với thơ chữ Hán Hồ Chí Minh thiết tưởng cũng không hẳn là một, hay nói cách khác: vừa là một vừa không là một. Vì nếu chúng ta tách riêng thơ chữ Hán của Bác để bàn luận, nghiên cứu về chính nó thì hẳn là còn nhiều điều cần được quan tâm riêng, quan tâm thêm. Học giả Đặng Thai Mai trước đây trong khi bàn đến cái gọi là âm vang thơ Đường trong thơ Bác, chẳng đã có lưu ý các nhà nghiên cứu cần nghiên cứu thơ chữ Hán của Bác trên phương diện ngôn ngữ, thể loại. Nhưng thực tế, nếu tôi không lầm thì cho đến nay, vẫn chưa ai làm được là bao. Muốn làm được điều này, trước hết đòi hỏi các nhà nghiên cứu phải biết, phải giỏi Hán học, Hán tự, chứ không chỉ giỏi việc nghiên cứu thơ mà đủ. Cho nên, nói vấn đề còn lạ, còn mới, là bởi vậy. Người viết bài này, dĩ nhiên không dám nhận mình là người giỏi Hán học, Hán tự, nhưng biết đến đâu xin nói đến đấy, và xin được coi đây chủ yếu là nêu vấn đề để những ai quan tâm và có trình độ, sẽ cùng nhau hợp sức nhằm giành những thành tựu mới trong việc tìm hiểu sự nghiệp thơ ca Hồ Chí Minh.


1. Trước hết xin được cung cấp những con số như sau: tổng số bài thơ vừa Hán vừa Nôm của Bác được in ở hai cuốn Nhật ký trong tù (Bản được in gần đây) và cuốn Thơ Hồ Chí Minh là 134 + 82 = 216 bài trong đó, Hán: 150, Nôm: 66. Với 150 bài thơ chữ Hán, Nhật ký trong tù là 134, Thơ Hồ Chí Minh là 16. Thực tiễn sáng tác đó, sơ bộ cho phép kết luận: Thơ chữ Hán là bộ phận chủ yếu trong thi nghiệp Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh về cơ bản là một nhà thơ chữ Hán. Nghiên cứu thơ Hồ Chí Minh cơ bản là nghiên cứu thơ chữ Hán của Người, dù nói ra hay không nói ra, tự giác hay không tự giác, và không tự giác thì khác, tự giác thì khác.


2. Đi sâu vào thực tế đó, cũng dễ dàng thấy rằng: Với thơ chữ Hán, Hồ Chí Minh mới thực sự bộc lộ một cách rõ nét nhất ý thức làm thơ và do đó cũng là năng lực thơ. Nói một cách khác là khi làm thơ chữ Hán, Hồ Chí Minh thực sự sống trọn với quy luật sáng tạo thơ.


2.1 Quan điểm thơ: Như chúng ta đã biết Hồ Chí Minh có  một hệ thống quan điểm văn chương trong đó có quan điểm về thơ được phát biểu với một hình thức ngôn ngữ rất cô đúc, lời ít mà ý nhiều, có nội dung rất lớn lao, cơ bản, tiến bộ mà tựu trung xoay quanh ba vấn đề chính: viết để làm gì, viết cho ai, và viết như thế nào. Những nội dung đó, chủ yếu được trình bày trong văn xuôi của Người (Đường Kách Mệnh, Bức thư trả lời ông H, Thư gửi các họa sĩ…) và phần nào cũng là trong thơ. Nhưng riêng về quan điểm của Người về thơ, nếu tôi không lầm thì trong thơ Nôm, chỉ một trường hợp là ở bài thơ Vô đề (tháng 3- 1968), cốní đến chuyện làm thơ: “Đã lâu không làm bài thơ nào. Nay lại thử làm xem ra sao…”. Ngoài ra không thấy có chỗ nào nói về quan điểm thơ cả. Trong khi đó, ở thơ chữ Hán, Người đã nói nhiều phương diện thuộc về quan điểm thơ hoặc liên quan tới thơ:


- Ở bài Khai quyển, Bác nói về quan hệ giữa Bác với thơ, hoàn cảnh sáng tác thơ của Bác:


Lão phu nguyên bất ai ngâm thi,

Nhân vị tù trung vô sở vi.

Liêu tá ngâm thi tiêu vĩnh nhật,

Thả ngâm thả đãi tự do thì

 


Ngâm thơ ta vốn không ham,

Nhưng vì trong ngục biết làm sao đây.

Ngày dài ngâm ngợi cho khuây,

Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do.

Nam Trân dịch


- Ở Bài Thu dạ, Bác nói đến một tình huống làm thơ cụ thể của mình: làm thơ bằng nước mắt, làm thơ trong nỗi uất, uất vì vô tội mà bị tù đã một năm:


… Vô tội nhi tù dĩ nhất tải

Lão phu hòa lệ tả tù thi


Ở tù năm trọn thân vô tội

Hòa lệ thành thơ tả nỗi lòng.

Nam Trân dịch


- Ở bài Khán thiên gia thi, hữu cảm, Bác tỏ rõ quan điểm của mình đối với thơ xưa của Trung Hoa và tuyên bố quan điểm thơ theo tinh thần cách mạng như chúng ta đã biết:


Cổ thi thiên ái thiên nhiên mỹ,

Sơn thủy yên hoa tuyết nguyệt phong

Hiện đại thi trung ưng hữu thiết

Thi gia dã yếu hội xung phong


Thơ xưa thường chuộng thiên nhiên đẹp

Mây gió trăng hoa tuyết núi sông,

Nay ở trong thơ nên có thép

Nhà thơ cũng phải biết xung phong.

Nam Trân dịch


- Ở bài Kết luận, Bác nói hoàn cảnh đã được trả tự do rồi thì thôi không viết nhật ký bằng thơ:


… Nhi kim hữu thị tự do nhân

Ngục trung nhật ký tòng kim chỉ…


(Nay lại được làm người tự do rồi, cho nên thôi không viết nhật ký trong tù bằng thơ nữa)


- Ở bài Báo tiệp làm sau này, thời ở Việt Bắc kháng chiến, Bác lại cho chúng ta biết quan hệ khăng khít giữa Bác với trăng, với thơ và mặc cho hoàn cảnh không cho phép làm thơ nhưng vẫn có thơ, thậm chí là thơ hay nữa:


Nguyệt thôi song vấn thi thành vị

Quân vụ nhưng mang vĩ tố thi.

Sơn lâu chung hưởng kinh thu mộng,

Chính thị liên khu báo tiệp thì.


Trăng vào cửa sổ đòi thơ

Việc quân đang bận xin chờ hôm sau.

Chuông lầu chợt tỉnh giấc thu,

Ấy tin thắng trận liên khu báo về.

Huy Cận dịch


- Ở bài Tặng Bùi Công, Bác nói về trường hợp cụ thể là khi làm thơ tặng cụ Bùi Bằng Đoàn:


… Tiệp báo tần lai lao dịch mã,

Tư công tức cảnh tặng tân thi


… Tin vui thắng trận dồn chân ngựa,

Nhớ cụ thơ xuân tặng một bài.

Nam Trân dịch


Đúng là khi làm thơ chữ Hán, Bác mới nghĩ, mới nói đến chuyện thơ nhiều, chứ không phải khi làm thơ Nôm.


2.2 Tình huống thơ: nhiều nhà lý luận nghệ thuật từ lâu đã bàn đến tình huống thơ (cũng như tình huống kịch, nhạc…) tức là những tình huống, những hoàn cảnh mà ở đó thi hứng, thi tình, thi tứ, thi ảnh dễ được trỗi dậy, bộc lộ mãnh liệt nhất, sung mãn nhất. Người làm thơ, kể cả các nhà thơ chuyên nghiệp, không phải lúc nào cũng có tình huống thơ. Tình huống thơ cũng không giống tình huống văn và tình huống thơ hay văn, ít nhiều lại còn liên quan đến thể loại sáng tác. Theo Viên Mai (Trung Quốc), Phan Kế Bính (Việt Nam), tình huống của văn chương là: khi trong lòng có điều uất, phát ra thành lời, ấy là văn chương vậy. Điều này trước hết là ứng với thơ, có người còn đặt vấn đề: Con người thì có buồn, có vui và có thơ… nhưng thơ gắn với gì nhiều hơn. Buồn hay vui? Kết luận dễ thường được rút ra là: với buồn. Mặc dù thơ vẫn có đủ sự vui, buồn với đủ màu sắc, trạng thái đa dạng, phong phú của vui, buồn. Thực tế, thơ ca cổ kim đông tây của nhân loại đã cho phép chứng minh điều đó.

 


Vậy thì tình huống thơ chữ Hán của Bác là thế nào? Đúng là Bác đã làm thơ bằng thứ văn tự này trong những tình huống có khả năng trỗi dậy nhiều chất thơ nhất. Đó là cảnh ngộ ở tù một cách tối ư phi lý. Nhật ký trong tù là sản phẩm của một tình huống thơ mang tính  quy luật. Cách mạng Việt Nam đang trên đà khởi sắc. Bác với tư cách lãnh tụ đang xông pha, hăm hở với bao nhiêu quyết tâm, khát vọng, hoài bão cao cả cho quyền sống dân tộc, hạnh phúc nhân dân, chủ quyền đất nước như đang sắp tới nơi rồi. Vậy mà bây giờ lại bị nghi là Hán gian, bị bắt giải đi hết nhà tù này đến nhà tù nọ, suốt ngày suốt tháng, không có việc gì để làm, chỉ ngồi chứng kiến hết cái ngang trái này đến cái ngang trái khác. Một cảnh ngộ như thế sao mà không uất, không tức, không đau, mặc dù ở Bác còn là một bản tính, bản lĩnh điềm tĩnh, điềm nhiên của bậc hiền triết phương Đông. Cho nên phải có thơ và chỉ có thơ mới giải uất phần nào. Bác viết: “Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do” là do thế, đúng thế. Sau này, cùng trung ương và chính phủ sống ở căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc, lại là một tình huống thơ, nhưng là khác. Khác ở chỗ không thuộc tình huống buồn uất, mà ngược lại phơi phới lạc quan vì biết kháng chiến gian khổ nhưng nhất định thành công, vì không khí thời đại là không khí hào hùng và lòng người lãnh tụ hẳn là vô cùng rạo rực, hân hoan, lại thêm có cảnh rừng Việt Bắc hùng vĩ, đầy chất thơ được đất trời ban phát. Trong hoàn cảnh đó, hẳn là có tình huống thơ, hẳn là con người thơ trong con người cách mạng Hồ Chí Minh nhiều phen trỗi dậy để có thơ hay là điều cũng dễ hiểu, cũng đúng với quy luật sáng tạo thơ ca, vì như trên đã nói thơ dễ gắn với cái buồn uất hận nhưng không phải là tất cả. Ở Hồ Chí Minh, trong những trường hợp làm thơ chữ Hán khác cũng đều là tình huống thơ. Đến Trung Hoa, thăm Vạn lý trường thành hùng vĩ, thăm Thái Hồ cảnh đẹp, thăm Khúc Phụ quê xưa của Khổng Tử mà chính Bác đã tự coi là con người vĩ đại (Le grand Confucius)… đều là những tình huống dễ có thơ, thậm chí là thơ hay.


Tóm lại, thơ chữ Hán của Bác là sản phẩm thơ của những tình huống thơ đúng với quy luật sáng tạo của thơ.


3. Hồ Chí Minh đã làm thơ chữ Hán như thế nào?


3.1 Thực trạng sử dụng thể tài:


3.1.1 Với Nhật ký trong tù:


- Thất ngôn bát cú: 2/134


- Ngũ ngôn trường thiên: 2/134


- Ngũ ngôn bát cú: 4 bài/134


- Hợp thể (ngũ ngôn tứ tuyệt và thất ngôn tứ tuyệt): 1/134


- Thất ngôn tứ tuyệt: 125/134


3.1.2 Với thơ chữ Hán sau Cách mạng Tháng Tám:


- Ngũ ngôn bát cú: 1 bài


- Thất ngôn tứ tuyệt: 15 bài


Kết luận có thể rút ra ở đây là: Nói đến thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh chủ yếu là nói đến thơ thất ngôn tứ tuyệt vì nó chiếm tuyệt đại đa số: 140 (125 cộng với 15) trên tổng số 150 bài.


3.2 Đặc trưng thi pháp của thể thơ thất ngôn tứ tuyệt.


Đây là một thể tài thơ thuộc loại tiêu biểu nhất cho loại thơ: lời ít, ý nhiều. Nó rất bé nhỏ nhưng là cái bé nhỏ của nguyên tử. Muốn có được cái bé nhỏ nguyên tử đó, nó đòi hỏi một khả năng tư duy thơ cô đúc, một kiểu tư duy có khả năng nắm bắt cái thần, cái bản chất của sự vật, của hiện tượng. Về phương thức nghệ thuật, nó phải thiên về cái gợi hơn cái tả (vì gợi thì ít chi tiết còn tả thì nhiều chi tiết hơn), phải biết vận dụng hết sức mạnh của cái gợi, phải coi trọng cái tứ hơn là cái ý (vì tứ mới là chỗ dựa, là điểm tự cho các ý hoá sinh thành hồn thơ).


Với thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, điều cần cho thơ thường chỉ là sự bộc lộ một nét cảm xúc, một nét trong cách nhìn thế giới, nhìn con người, nhìn thời gian, không gian, một nét của suy tư, của ấn tượng… Tóm lại vẫn là sự chiếm lĩnh nghệ thuật thế giới thiên nhiên, thế giới con người, thế giới tâm linh, tâm trạng tâm tình của chính thi nhân, nhưng chủ yếu là ở trạng thái một nét nhưng phải là nét có hồn, nét ra nét, và từ một nét mà bùng nổ, mà lan toả thành một bầu trời thơ, một thế giới thơ, đúng như là một nguyên tử cực bé nhưng cũng là cực mạnh, cực lớn.


Với một đặc trưng thể tài như vậy, việc làm thơ thất ngôn tứ tuyệt có thề nói là vừa rất dễ nhưng lại vừa rất khó. Nói dễ là vì không chỉ người nhiều chữ  mà người ít chữ cũng có thề làm. Nhưng làm mà đạt đến phẩm chất thơ hay, mà có được cái thế nguyên từ trong thơ thì vô cùng là khó. Nhiều nhà nghiên cứu đã từng khẳng định rằng thơ Đường luật nói chung (trong đó có thất ngôn tứ tuyệt), với đặc trưng nổi trội cho hiện tượng thơ ít lời nhiều ý thì dù một bài thơ rất nhỏ nhưng dung lượng tư tưởng thẩm mỹ  được chứa đựng trong đó  vẫn có thể là không thua bất cứ dung lượng một tác phẩm có qui mô đồ sộ nào khác. Dĩ nhiên đây là đang nói về một  bài thơ nhỏ bé mà tuyệt hay. Ví dụ như với các bài thơ: Đăng U Châu Đài Ca của Trần Tử Ngang, Đề Đô thành nam trang của Thôi Hộ, Phong kiều dạ bạc của Trương Kế… Đã có người cho rằng: Trong lịch sử thơ văn nhân loại, có không biết bao nhiêu tác phẩm (trong đó có loại có qui mô lớn) nói về cái cô đơn của con người giữa trần gian. Nhưng chẳng đâu có độ cô đơn tuyệt đối như bài thơ Đăng U châu đài ca của Trần Tử Ngang. Nói thế không phải là không có căn cứ. Thơ thất ngôn tứ tuyệt mà hay, thì ngoài cái hay của tư tưởng tình cảm theo yêu cầu chung của mọi thứ thơ ca đã đành, còn có cái hay liên  quan đến đặc trưng thi pháp riêng của nó. Với nó, có loại hay ở ý và cả ở tứ. Có loại từng hay mà toàn cuộc lại không vì thiếu tứ. Có loại từng ý không  hay nhưng tứ hay đã thổi hồn vào ý để có thơ hay. Thơ có ý hay mà thiếu tứ hay thì đọc xong khoái cảm dễ tan nhanh. Ngược lại ý chưa hay nhưng có tứ hay nâng đỡ, đọc xong thi vị vẫn đượm bền. Có một kiểu thi pháp khá tiêu biểu cho loại thơ thất ngôn tứ tuyệt hay là loại mà trong đó có vai trò đặc biệt của câu 3 trong bốn câu. Với câu 3 đó, xưa đã có người gọi nó là câu thơ vượt sóng. Bởi với câu này trong bài thơ bốn câu là tựa như người chèo thuyền vượt sóng. Vượt được mới tài. Không vượt nổi là xoàng.


3.3 Đối chiếu những điều vừa nêu trên về thể thơ thất ngôn tứ tuyệt với thực tiễn sáng tác thơ thất ngôn tứ tuyệt, tuy chưa phải là tất cả nhưng là bộ phận chiếm tuyệt đại đa số thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh, có thể kết luận được rằng: trong lịch sử thơ chữ Hán của Việt Nam thuộc phạm vi chúng tôi đã được tiếp xúc (dĩ nhiên là còn hạn chế) thì Hồ Chí Minh quả là một chuyên gia về thơ thất ngôn tứ tuyệt, vì chưa thấy ai làm nhiều đến như thế. Nguyễn Trãi trong Ức trai thi tập có 105 bài thì chỉ có 11 bài thất ngôn tứ tuyệt. Nguyễn Du còn lại 249 bài thơ chữ Hán thì có 24 bài thất ngôn tứ tuyệt. Nguyễn Khuyến, trong số 267 bài thơ chữ Hán được in lại trong sách Nguyễn Khuyến - tác phẩm lại chỉ có 3 bài thất ngôn tứ tuyệt… Trong thơ thất ngôn tứ tuyệt của Bác, có nhiều bài rất hay và cùng với thơ chữ Hán nói chung của Bác là sản phẩm của một bản lĩnh, một nhân cách, một điệu sống, một tâm hồn cao cả phi thường. Quách Mạt Nhược, học giả kiêm nhà văn lớn Trung Hoa sau khi đọc 100 bài thơ chữ Hán của Bác (Do nhân dân xuất bản  xã, Bắc Kinh, in năm 1960) đã nhận xét: “… Hầu hết bài nào cũng đều toát ra hết sức sinh động hình ảnh của một nhà cách mạng lão thành, thanh thoát, tài trí, ung dung, giản dị, kiên cường, ấy là Hồ Chí Minh. Thật là “thi như kỳ nhân”, thơ như người vậy. Có một số bài rất hay, nếu như đặt lẫn vào một tập thơ của các thi nhân Đường Tống thì khó phân biệt”. Lời khen đó của họ Quách về thơ chữ Hán của Bác, dù nói ra hay không nói ra, chắc chắn là chủ yếu dựa trên thơ thất ngôn tứ tuyệt của Bác. Học giả kiêm nhà văn lớn Việt Nam, Đặng Thai Mai viết về Nhật ký trong tù cũng nói: “Giữa không khí héo hon tàn lụi của bộ phận văn chương tưởng không còn mấy ai biết đến là văn học chữ Hán do người Việt Nam sáng tác, bước vào thập niên cuối cùng của nửa đầu thế kỷ XX, bỗng đâu lại có một tiếng nói khác thường cất lên từ một chân trời mới lạ. Tập Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh – Nguyễn Ái Quốc chính là chân trời chưa biết ấy và là nguồn sinh lực mới làm tươi tắn trở lại dòng thơ Việt Hán đã tạo nên một kết cục viên mãn ít ai ngờ cho diễn trình một ngàn năm thơ ca chữ Hán Việt Nam”. Lời nhận định này của họ Đặng thiết nghĩ cũng là với thơ chữ Hán của Bác nói chung trong đó tuyệt đại đa số là thơ thất ngôn tứ tuyệt. Núp bóng các vị thầy trên đây, những người có tư cách nhất để nói chuyện thơ chữ Hán của Bác, người viết bài này muốn được nói thêm là: Đã đến lúc không thể đồng nhất thơ Bác nói chung và thơ chữ Hán của Bác. Phải ý thức đầy đủ rằng nghiên cứu thơ Bác, chủ yếu là nghiên cứu thơ chữ Hán. Mà trong thơ chữ Hán của Bác, thơ thất ngôn tứ tuyệt là bộ phận chiếm đa số tuyệt đối. Đi sâu vào thi pháp thơ thất ngôn tứ tuyệt, là phương pháp hữu hiệu nhất để đưa việc chiếm lĩnh giá trị thơ chữ Hán của Bác vượt qua tình trạng nhận thức tư tưởng đơn thuần mà đó đây vẫn gặp. Việc hiểu sâu ngôn ngữ Hán và thể loại thơ chữ Hán mà Bác đã vận dụng chính là tiến lên theo hướng hiện đại của phương pháp luận nghiên cứu văn học, ở chỗ biết coi trọng hai yếu tố cơ bản là ngôn ngữ và thể loại của bất cứ loại thơ văn nào mà trong những năm gần đây khoa nghiên cứu văn học Việt Nam đã khuyến khích.

 


Biên tập:

Mai Xuân Thưởng

Phan Liên Khê

Lâm Văn Hoàn

 

 

Ban biên tập mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp, phê bình.

 

CÁC ĐƠN VỊ LIÊN KẾT

may rang ca phe ca phe sach ca phe nguyen chat may photocopy thue may photocopy