3/ Tập san thơ Hương Sen số 19 (Phần 2).

HƯƠNG SEN - TẬP SAN LƯU HÀNH NỘI BỘ SỐ 19 - PHẦN 2

 

 

 

MINH KHÂM

Cô gái Thái Bình


Cô gái Thái Bình, gái Việt Nam

Đã chăm lao động lại hiền ngoan.

Đồng diêm bát ngát giăng mây trắng,

Biển lúa mênh mông trải sóng vàng.


Tiền tuyến, anh giành bao chiến thắng,

Hậu phương, em đạt bấy vinh quang.

Gái quê sống đẹp như lời hát,

Trung hậu, kiên cường với đảm đang.

 

 

 


Đình làng


Hương thơm hoa nở, rồng bay,

Đình làng trăm họ ngất say lòng người.

Hàng năm công đức rạng ngời,

Linh thiêng phù hộ muôn đời cháu con.

Dù cho biển cạn, non mòn,

Hậu sinh ghi tạc đạo tròn hiếu trung.

 

 

 


Kính mừng Đại tướng

Mừng sinh nhật lần thứ 102 của Đại tướng

Võ Nguyên Giáp 25-8-1911


Một trăm, hai tuổi dáng như tiên,

Chữ Nhẫn Giáp vàng mãi giữ Nguyên.

Nghiệp Võ tinh thông ghi sử tích,

Danh Văn rạng rỡ khắc lưu tên.


Tài năng kiệt xuất vang muôn thuở,

Đức độ tôn vinh vọng khắp miền.

Tùng bách vững cành che bóng mát,

Kính mừng Đại tướng vẫn trường niên.

 

 

 


MỸ HUỲNH

Bông so đũa


Nhớ canh chua tép bông so đũa,

Quê mẹ nghèo tất bật sớm trưa.

Bìm bịp kêu nước ròng, nước lớn

Nặng gánh đời, tìm mãi dấu xưa.

 

 


Lời đất mẹ


Từ xa về, thành người xa lạ,

Hành trình mỏi mệt kiếp tha nhân.

Để đêm nay thao thức hiên nhà

Nghe đất mẹ hát lời chân thật.

 

 


Nhớ chốn quê xưa

 

Ta đã trải bao năm dài phiêu bạt,

Một góc trời, thầm nhớ chốn quê xưa.

Thêm câu hò, giọng hát, tiếng võng trưa,

Nơi đất khách dỗ dành câu lục bát.


Như cành khô thèm cơn mưa tươi mát,

Ôm trọn nỗi niềm níu kéo thời gian,

Như cành mai chờ nở đóa hoa vàng,

Ta chợt muốn hóa thân thành cỏ dại.


Để cho tâm tư nhẹ nhàng êm ái,

Rồi một ngày sẽ quay gót, dời chân.

Thỏa lòng ta giục giã đã bao lần,

Ngày nắng ấm trải hồng lên đất mẹ.

 

 

 


Tình quê hương


Quê hương em hai mùa mưa nắng,

Nắng tỏa hồng, mặt đất sinh sôi.

Mưa hiền hòa cành lá đâm chồi,

Mưa và nắng chan hòa nhịp thở.


Khắp mọi nơi ngàn hoa đua nở,

Người người vui hương lúa cánh đồng.

Hạt phù sa theo những dòng sông

Bồi đắp cho cây lành trái ngọt.


Mỗi bình minh chim muông ca hót,

Hoàng hôn, êm ả khói lam chiều,

Rồi đêm về khi ánh đèn khêu,

Tiếng giã gạo dưới trăng rộn rã.


Yêu quê hương, yêu hơn tất cả,

Làm gì cho sứ xở hôm nay,

Cùng góp xây giàu đẹp tương lai,

Rỡ ràng khắp năm châu bốn biển.

 

 

 


NGỌC HOA

Bữa cơm ở công sở


Hết giờ làm việc, bữa cơm thường,

Đạm bạc muối mè với nước tương,

Mấy cọng muống xanh trông đẹp mắt,

Tô canh cải ngọt thật là thương.


Xong rồi, kê ghế vài ba cái,

Sách gối một chồng sát bả vai,

Chân duỗi, chân co, cầm báo đuổi

Mấy con muỗi đói nó đang bay.


Bởi vì giá cả cứ leo thang

Nên phải ăn dè đâu dám sang.

Hàng hóa bây giờ gì cũng đắt

Thế này cuộc sống ắt thêm căng…

 

 

 


Cảnh quê tháng mười

 

Một chiều trở lại thăm quê,

Cây đa, giếng nước, con đê đầu làng…

Đồng ta bông lúa chín vàng

Mây trôi theo gió về Nam cuối trời.


Con về nhớ lắm mẹ ơi,

Bên nôi xưa, mẹ đã ngồi ru con.

Bâng khuâng thương những chiều đông,

Làng trên, xóm dưới, con sông vơi đầy.


Đường làng rợp bóng hàng cây,

Bước chân gợi nhớ những ngày tuổi thơ.

 

 

 


Hè về, nhớ trường xưa


Mỗi năm hè lại về,

Nhớ sao trên đường quê,

Tan trường ta dảo bước,

Nắng chiều vàng chân đê.


Tạm biệt thầy cô giáo

Và bạn bè mến thương,

Mỗi người đi một ngả,

Đâu cũng là quê hương.


Nhớ sao những gốc bàng,

Cành phượng đỏ chói chang,

Ve về, chim ca hát,

Vọng mãi tiếng âm vang.


Cũng từ đây mái trường

Bao kỷ niệm vấn vương.

Bâng khuâng, ôi ta nhớ

Bạn bè ở muôn phương!

 

 

 


NGỌC YẾN

Ý chí tuổi cao

 

Tuổi hạc chúng ta dẫu có cao,

Tâm hồn trí tuệ sáng như sao.

Tình người chan chứa xinh tươi thắm,

Nhân nghĩa vun bồi đẹp biết bao.


Kiến thức mênh mông luôn học hỏi,

Văn chương dào dạt mãi giồi trau.

Ươm gieo thiện đức niềm khao khát,

Ý chí tuổi cao chẳng núng nao.

 

 


Chung sức


Trí tuệ sáng ngời đẹp biết bao,

Tình người vời vợi mến thương trao.

Duyên thơ hạnh ngộ, duyên nồng thắm,

Thi hữu giao lưu, tứ nhã tao.


Cuộc sống thăng hoa ngời nhựa sống,

Nước nhà thịnh vượng rạng tài cao.

Đồng tâm, hợp lực gieo nhân nghĩa,

Trần thế tỏa hương ngát vạn sao.

 

 


NGUYỄN ĐỨC KHÔI

Tâm Phật

 

Cuộc sống trần gian đã lập trình,

Hoàng hôn, rồi lại rạng bình minh.

Mỗi người, mỗi cảnh, tranh nhân thế,

Từng sắc, từng vồng, nét thủy tinh.


Sáng tạo vô biên sao vũ trụ,

Gieo mầm nhất quán Phật tâm kinh.

Sinh tử, buồn vui, mi khép lại,

Cuộc sống trần gian đã lập trình.

 

 

 


NGUYỄN VĂN PHI

Hoa mùa thu


Thu về đong đầy trong ký ức

Những ngày Tháng Tám dậy non sông.

Gió thu lạnh, tim anh vẫn nóng,

Bước cùng em mắt sáng long lanh.

Nhập đoàn khởi nghĩa rừng cờ đỏ,

Giáo mác tầm vông nở muôn hoa.


Sáu mươi bảy mùa thu đi qua

Chặng đường dài chông gai thử thách,

Ba mươi mùa thu lo đánh giặc,

Đem về niềm vui xuân đại thắng.

Ngày hội non sông rực cờ hoa

Hoa độc lập tưng bừng hương sắc.

 

 

 

 

Lời học trò đi thi

Cảm nhận khi đọc đề thi tốt nghiệp THPT môn ngữ văn năm 2012:

“Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái đạo đức trong đời sống xã hội”


Lời nói thật viết về thói dối trá,

Em tự tin thong thả làm bài thi.

Đề nghị luận về luận đề luân lý

Giúp em rèn đức, luyện trí, thử tài

Sau mười hai năm miệt mài đèn sách

Sẽ đem về bài thu hoạch hôm nay.

Cây bút bi xanh mực rào rạc chảy

Em chuyển mạch thành từng câu, từng chữ.

Từ sách giáo khoa, ca dao, thành ngữ,

Từ ước mơ cháy bỏng tuổi học trò,

Làm sáng tỏ những quanh co, dối trá,

Danh lợi bon chen, học giả bằng thật,

Lu mờ phẩm chất, sinh chuyện lôi thôi,

Để mở rộng học đường ra xã hội.

Làm hành trang tập tễnh bước vào đời,

Đạo đức cần như đường dài ánh sáng,

Thói dối trá như ngõ cụt bóng đêm,

Sẽ lựa chọn làm nền cho cuộc sống.

Xây móng nhà đức, tài, trí, thông minh.

Một đề thi như hồi chuông thức tỉnh

Tiếng đồng ngân nga, sâu lắng, vang xa…

Đạo đức học nền tảng của quốc gia,

Năng lượng sạch, cho chúng ta tiếp nhận,

Nộp bài thi, em phấn chấn hân hoan.

 

 

 


Nhịp cầu nối

Nhân ngày họp mặt tọa đàm lần thứ 2 trong tháng

9-2012 của Việt kiều tại Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Cầu hữu hình kết nối hai bờ sông

Giúp ta thoát cảnh qua sông lụy đò.

Cầu vô hình nối tấm lòng yêu thương

Kiều bào ta sinh kế khắp muôn phương

Trên trăm quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ngày tọa đàm thổ lộ những tâm tư,

Nỗi lòng của những người con xa xứ,

Cảm thông nhau những thăng trầm lịch sử,

Bỏ sau lưng những khác biệt dị đồng.

Trên bốn triệu người mang dòng máu Việt

Góp tiếng nói chung tình yêu tổ quốc.

Lời chân thật như máu chảy về tim,

Tổ quốc thiêng liêng đất mẹ tìm về.

Nhà khoa học mong chuyển giao công nghệ,

Sản phẩm làm ra đạt chất cạnh tranh.

Góp ý tưởng những doanh nhân tâm huyết,

Trao kinh nghiệm làm kinh tế thị trường.

Em ca sĩ xúc động hát dân ca,

Mềm môi trong lời ru huyền thoại mẹ,

Sâu lắng trữ tình da diết yêu thương.

Lời học giả thân mật rất đời thường,

Giao lưu văn hóa giữ hồn dân tộc,

Làm sống lại kế sâu rễ, bền gốc,

Trải lòng mình với đất nước, quê hương.

“Khoan thư sức dân”, lời Hưng Đạo Đại Vương,

Lịch sử như sự tuần hoàn tái diễn.

Nhịp cầu nối nghìn xưa đến mai sau

Cùng chung lo xây nước mạnh, dân giàu

Nhịp cầu nối vì tình yêu tổ quốc.

 

 


Quan hệ láng giềng


Bạn đến nhà tôi vui lòng gõ cửa,

Khách đến nước tôi xuất trình hộ chiếu,

Bạn vào biển tôi hiểu luật bang giao,

Quan hệ bình thường giao lưu hữu hảo.


Điều không bình thường dư luận xôn xao,

Bạn vẽ bản đồ lưỡi bò rồng rắn.

Nước biển mặn sao bạn nói là nhạt,

Chín đoạn chiếm thềm lục địa lân bang.


Bạn nói và làm sai lạc lịch sử,

Thế giới không nghe điều vô căn cứ.

Chứng cứ hùng hồn Hoàng Sa, Trường Sa,

Mấy trăm năm chúa Nguyễn lập chủ quyền.


Những người còn tính diều hâu ó biển,

Ích lợi gì chuyện hù dọa nắn gân.

Cần tỉnh táo để còn phân phải trái,

Biết tinh lọc để gạn đục khơi trong.


Lịch sử chứng minh ngàn năm Bắc thuộc,

Người Việt Nam chí cường bất khuất.

Lớp hậu duệ kế thừa thế hệ trước

Giữ vững non sông nòi giống Tiên Rồng.


Giữ mãi đất trời, lãnh hải Biển Đông,

Phần máu thịt của cha ông truyền lại.

Giữ bản đồ ý chí của tiền nhân

Tình láng giềng gần, giao lưu bình đẳng.

 

 

 


PHẠM KHU

Trước hoàng hôn

 

Đứng “trước hoàng hôn” lúc cuối đời,

Tuổi già thanh thản bởi tâm thơi.

Đôi câu thơ phú tình nghiên bút,

Một nét văn chương thỏa thú chơi.


Chập chững đường thơ còn nhỏ dại,

Loay hoay chữ nghĩa biết nương ai?

Mong gặp tri ân từ khắp chốn,

Xướng, vận, hòa vui một tiếng cười.

 

 

 


PHAN LIÊN KHÊ

Con bướm trắng đậu vào trang thơ


Ngồi buồn đem sách ra phơi,

Ngày thu xanh thắm, nắng trời tự do

Soi vào nét chữ, lời thơ

Trải bao năm tháng, sớm trưa nhọc nhằn.


Trong thơ có cả vầng trăng,

Cánh con cò trắng trên đồng lúa xanh,

Có thời khói lửa chiến tranh,

Tình yêu cuộc sống ngọt lành bấy nay.


Tìm vần, lựa ý mê say,

Buồn vui, gửi tấm lòng này vào thơ.

Ơ kìa, cảnh thực hay mơ,

Có con bướm trắng, bay qua đậu vào!

 

 

 


Nàng Tô Thị

 

Đất nước gian lao lắm nhọc nhằn

Trông chồng, hóa đá đã nghìn năm.

Ngày qua, lặng lẽ chờ tia nắng,

Đêm xuống, âm thầm đợi ánh trăng.


Xõa tóc, triền miên trong gió thổi,

Bồng con, hiu quạnh giữa mây giăng.

Xưa nay chinh chiến không ngơi nghỉ,

Một tấm lòng son, khó sánh bằng.

 

 

 


Nhớ thương quê mình

 

Một thương xanh ngắt hàng tre

Ven con ngõ nhỏ đi về sớm hôm.

Hai thương bến nước, dòng sông

Có con chim sáo xổ lồng bay xa.


Ba thương khói bếp la đà,

Mái tranh, vách đất nếp nhà bình yên.

Bốn thương xóm dưới, làng trên,

Bà con tắt lửa, tối đèn có nhau.


Năm thương bãi mía, vườn dâu,

Đồng quê bát ngát một màu lúa xanh.

Sáu thương ánh mắt long lanh,

Tóc mây một mái để dành cho ai?


Bảy thương cái cuốc, cái cày

Cùng ta gắn bó tháng ngày gắng công.

Tám thương hoa bưởi đơm bông

Tỏa hương thơm ngát cho lòng ngẩn ngơ.


Chín thương lớp học i tờ,

Bao nhiêu ký ức tuổi thơ hiện về.

Mười thương khúc hát đồng quê

Có con bướm trắng, sườn đê nắng vàng.


Ra đi từ thuở cơ hàn,

Mấy mươi năm ấy, muôn vàn nhớ thương.

 

 

 


Về trường xưa, nhớ bạn


Sau ngày tàn cuộc chiến,

Khoác ba lô trở về,

Tôi bước trên đường quê

Một chiều xuân lộng gió.


Bạn tôi xanh nấm cỏ

Giữa Trường Sơn bạt ngàn,

Không trở lại xóm làng

Trong niềm vui đại thắng.


Bạn ơi, tôi nhớ lắm,

Ngày chúng mình tuổi thơ,

Với màu áo học trò

Và bao điều mơ ước!


Nhưng gặp thời non nước

Tràn khói lửa chiến tranh,

Theo nhịp bước quân hành

Anh em mình ra trận.


Cả mười năm thấm đậm

Tình đất đỏ Miền Đông.

Củ sắn lúc đói lòng,

Nước suối trong đỡ khát.


Trên đường đi đánh giặc,

Ta chẳng tiếc tuổi xuân

Cho đất nước bình yên,

Núi sông liền một dãy.


Hôm nay tôi trở lại

Thăm mái trường ngày xưa,

Kỷ niệm không phai mờ

Dù qua nhiều năm tháng.

 

 

 


Xóm làng vào thu


Xa quê, anh có nhớ không,

Những mùa hoa cải ven sông nở vàng.

Gió reo, rơi chiếc lá bàng,

Trời cao, mây trắng, xóm làng vào thu.


Lắng nghe văng vẳng tiếng ru,

Tuổi thơ ngày ấy bỗng như hiện về.

Xanh xanh thảm cỏ bờ đê,

Nghìn năm thấm đậm hồn quê, tình người.


Anh đi khắp chốn xa xôi,

Bao nhiêu lần đã bồi hồi nhớ thương?

- Bây giờ tóc ngả màu sương,

Hướng về quê cũ mà vương tơ lòng.


Mùa thu hương cốm thơm lừng,

Cho anh xin được vui cùng xóm thôn.

 

 

 


TÂY BÌNH

Đôi điều tâm sự


Quê hương còn đó một dòng sông

Từ độ chia xa khiến chạnh lòng.

Nắng sớm trời hanh khi giáp hạ,

Mưa chiều xứ lạnh lúc sang đông.


Mây đen lảng vảng, đời sương gió,

Sóng bạc chập chờn, cảnh bão giông.

Tiếc nhớ làm chi thời biển động,

Qua rồi một thuở bước đi ngông.

 

 

 

 

THANH THẾ

Đánh cờ tướng


Cao hứng rủ mình đánh ván chơi,

Bày quân, khều nhẹ chắc thua thôi!

Về hưu văn võ không thao lược,

Thể dục thể thao cũng chán rồi.


Ngày xưa đương chức lại đương trai,

Háo thắng cùng nhau tỷ thí hoài.

Ván nhất tuy thua sau cố thắng,

Cầm quân như thế đấng anh tài.


Cuộc chơi thua, thắng chuyện bình thường,

Từng bước thăm dò ý đối phương.

Xe pháo nghếch nòng chờ mệnh lệnh

Châm ngòi nạp đạn, mục tiêu tướng.


Quân tướng rã rời hao sức lực,

Tốt vào cung cấm phá thành tan.

Chơi cờ cảm khoái khi lâm trận

Hết nước đành thua phải chịu hàng.

 

 


Giao mùa


Thời tiết giao mùa lúc nắng mưa,

Tuổi cao, sức yếu khó phòng ngừa.

Nhức đầu, sổ mũi, chi tê cứng,

Cảm cúm, đau lưng rã rời người.


Bệnh viện chuyên khoa cho thuốc uống,

Phòng riêng chăm sóc nhớ nằm ngơi.

Làm thơ, nghe nhạc mong mau khỏe,

Bồi dưỡng món ngon vợ nấu mời.

 

 

 

 

THÚY YÊN

Bình minh Căm-pu-chia


Dưới ánh ban mai thắm sắc hồng,

Tiếng chuông vang vọng chốn hư không,

Cành hoa thốt nốt đùa trong nắng,

Rồng đậu nóc chùa đón gió đông.

 

 

 


Bình minh Sa Pa


Tinh sương trời đổ mưa rào,

Dù che, em nép sát vào vai anh.

Cứ như cái thuở đầu xanh,

Lau giọt nước đọng, long lanh má đào.


 

 


Đợi chờ

 

Trà sen pha sẵn để chờ ai,

Trà nguội, nắng lên, thoáng thở dài.

Chán ngắt, ngon chi trà pha lại?

Trách người tri kỷ hứa lời sai.

 

 


Gửi người thơ


Gửi người đồng điệu vần thơ,

Nhịp chung giao cảm, nối bờ nhớ thương.

Trà sen đượm khói, thơm hương,

Đậu xanh ngọt mát, vấn vương tình đời.

 

 

 


Ru cháu

 

Cháu ơi hãy ngủ ngon đi,

Để bà rảnh rỗi nhâm nhi chén trà.

Trà sen Hà Nội quê nhà,

Nước xanh, giếng ngọc, hương hoa Tây Hồ.

 

 


TRUNG SƠN

Nhớ mãi thu xưa


Chiều thứ bảy vui, vui lắm mà,

Bốn tuần trong tháng vút trôi qua.

Thi nhân gặp gỡ tình chan chứa,

Bằng hữu giao lưu nghĩa đậm đà.


Kết tứ Đường thi lời chuẩn mực,

Gieo vần lục bát ý sâu xa.

Thanh bình an hưởng – dân ghi nhớ,

Nhớ mãi thu xưa – cứu nước nhà.

 

 

 


Tiếng thu xưa


Trăm năm nô lệ xiềng gông,

Sống trong tăm tối những mong đổi đời.

Nhờ có Đảng khắp nơi lớn mạnh,

Cứu quê hương thoát cảnh lầm than.


Lập chính quyền, lãnh đạo dân,

Chín năm gian khổ đấu tranh kiên cường.

Giặc thế mạnh, ta cương quyết đánh,

Nguyện kết đoàn sát cánh tiến công.


Súng trường, giáo mác, tầm vông,

Một lòng quyết chiến xung phong diệt thù.

Nhớ thuở nọ Mùa Thu Tháng Tám,

Toàn dân Nam can đảm đánh Tây.


Bác Hồ hiệu triệu đó đây,

Ba miền giết giặc tỏ bày lòng trung.

Vây bè lũ Tây Dương “Đờ Cát”

Đồn “Điện Biên” tan nát bao phen.


Quân thù vỡ mộng xâm lăng,

Đưa tay run sợ nỉ năn xin hàng.

Tây thua rồi ta đang ngơi nghỉ,

Lũ cuồng ngông rước Mỹ ra oai,


Xé “Hiệp định” tráo chiêu bài

Rắp tâm chia cắt đất trời “Hiền Lương”

Đảng lãnh đạo ngoan cường đuổi giặc,

Khắp các miền Nam Bắc xông pha


Đánh cho bọn Mỹ cờ hoa

Ôm đầu máu chạy về nhà hoảng kinh.

Thu xưa vang vọng Ba Đình,

Thu nay non nước thanh bình yên vui.

 

 

 


TÙNG SƠN

Nỗi nhớ quê


Còn khổ nào hơn nỗi nhớ nhà,

Mơ về kỷ niệm đất quê ta.

Gió hôn cành liễu buông lơi lả,

Chim nhớ cây rừng gọi thiết tha.


Mây trắng bâng khuâng về lối mộng,

Trăng vàng e thẹn nép cành đa.

Ai về xứ Bắc tôi xin gửi,

Một tấm lòng son ta nhớ cha.

 

 

 

 

Thơ nguyên tiêu gặp người quan họ


Nguyên tiêu, Văn Miếu, hội thi ca,

Quan họ song đôi giọng thiết tha.

Gái sắc năm ba nghiêng nón thúng,

Trai tài bảy tám ngó dù hoa.


Xuân về anh nhớ vui tìm bạn,

Hạ đến chị thương bận việc nhà.

Quan họ người ơi, người ở lại,

Tình thơ nỗi nhớ đến khi già.

 

 

 


V.H.B

Tình nghiên bút


Bao tình nghiên bút vui đời,

Vần thơ hứng cảm, nụ cười hồn nhiên.

Không sân hận, kết văn duyên,

Cùng xây cuộc sống nhẹ phiền trần gian.


Cho hương xuân ngát hoa tràn,

Cho yên nắng hạ, bớt vàng sắc thu.

Cho đêm đông ấm sương mù,

Thắm nồng nhạc gió lời ru nghĩa tình.


Giúp xây cuộc sống an lành,

Nhạc thơ khởi sắc an sinh nước nhà.

Bút nghiên tài đức đơm hoa,

Non sông đẹp cảnh thái hòa vạn niên.


Xứng danh nòi giống Rồng Tiên!

 

 

 


XUÂN CẢNH

Rạng ngời non sông

 

80 năm quằn quại đọa đày,

Giặc Pháp xâm lược xéo dày dã man.

Đau thương, nước mất nhà tan,

Việt Nam biến mất trên trang bản đồ.


Tìm đường cứu nước – Bác Hồ,

Nấu nung vạn dặm cơ đồ dựng xây.

3-2-1930 tỏa sáng từ đây,

15 tuổi trẻ Đảng xây sử vàng.


Việt Nam tổ quốc sang trang,

Cách mạng Tháng Tám sao vàng tung bay.

Tuyên ngôn Độc lập giãi bày,

Chủ quyền đất nước ngày này khắc ghi.


Đế quốc Pháp – Mỹ cuồng xy,

Tham tàn, ác độc tức thì tái xâm.

Cậy giàu, ỷ mạnh ầm ầm,

“Hủy diệt”, “đồ đá”… dã tâm “thú người”.


30 năm ròng rã nối đuôi,

“Tốc chiến”, “cục bộ”… đủ mùi gian manh.

Việt Nam kiên quyết tiến hành

Kháng chiến thần thánh vang danh giống nòi.


Năm châu đuốc sáng rạng soi

“Lương tri thời đại” gương nơi dẫn đầu.

Điện Biên chấn động địa cầu,

Hồ Chí Minh chiến dịch năm châu reo hò.


Đánh thắng hai đế quốc to,

Việt Nam rực sáng bản đồ năm châu.

Đảng đang vững bước dẫn đầu

Hội nhập, đổi mới, dân giàu nước yên.


Mở đầu thập kỷ, thiên niên,

Đại hội IX, Đảng vạch đường tiến lên.

Xóa nghèo, tụt hậu, xây nền,

Công nghiệp hiện đại vượt lên cùng người.


Lòng Dân, ý Đảng thắm tươi,

Đảng - Dân máu thịt đời đời sắt son.

Cha sinh, mẹ dưỡng biển trời,

Công ơn Đảng, Bác rạng ngời non sông.

 



Đi tìm nguồn gốc thể thơ lục bát Việt Nam

 

Nguyễn Xuân Đức
Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam


1. Thể lục bát Việt Nam có từ bao giờ, từ đâu, đang là những vấn đề tồn nghi. Thoạt đầu, khi thấy có tới hơn 90% ca dao được sáng tác theo thể lục bát, nhiều người đã nghĩ: lục bát có từ ca dao. Theo cách nghĩ đó, Nguyễn Văn Hoàn đã có bài viết khá công phu nhan đề “Thể lục bát từ ca dao đến Truyện Kiều”, trong đó dự đoán rằng “thể lục bát, sớm nhất, cũng chỉ xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ XV”. Còn khi phát hiện thấy thể lục bát trong nhiều tác phẩm văn học viết vào thế kỷ XVI còn chưa chặt chẽ cả về phối thanh lẫn vần luật và chỉ được hoàn thiện dần cho đến khi Truyện Kiều ra đời, người ta lại nghĩ: thể lục bát phải bắt nguồn từ văn học viết. Một số người khác, khi thấy thể lục bát cũng có mặt ở một số nước Đông Nam Á, đã nghĩ về một khả năng du nhập vào nước ta, tuy nhiên hướng tiếp cận này đã không được thực hiện, có lẽ vì thiếu căn cứ.

 


Thiết nghĩ cũng cần hiểu rằng sự du nhập tuy là hiện tượng phổ biến, nhưng không phải mọi sự giống nhau đều do du nhập. Nhiều sản phẩm trùng lặp cần phải được xem như là hiện tượng trùng sáng tạo giữa các dân tộc. Như vậy, nếu một dân tộc nào đó ở Đông Nam Á chứng minh được một cách thuyết phục rằng thể lục bát của họ đích thực là do dân tộc họ sáng tạo ra thì việc tìm ra nguồn gốc thể lục bát trong nền văn học người Việt cũng sẽ là tiếng nói góp phần khẳng định nguyên lý trùng sáng tạo giữa các dân tộc. Đó là chưa kể khả năng ngược lại cũng có thể xẩy ra, một khi chỉ tìm được nguồn gốc thể lục bát từ những sáng tạo của người Việt.


Thực tế cho thấy, mặc dầu thừa nhận lục bát là thể thơ được sử dụng phổ biến nhất trong thơ ca Việt Nam, nhưng trước một bài toán khó như vậy nhiều người thường bỏ qua, đôi khi có ai đó nêu ra để bàn luận, cũng không được hưởng ứng rộng rãi. Hai tác giả đã có công trình chuyên sâu về ca dao là Nguyễn Xuân Kính với “Thi pháp ca dao” và Phạm Thu Yến với “Những thế giới nghệ thuật ca dao” cũng đã bỏ qua hoặc không đề cập đầy đủ đến vấn đề này. Còn những người quan tâm đến thể lục bát thường đi tìm nguồn gốc của nó theo hai xu hướng:


- Một là tìm qua một số dấu vết trong ca dao như ngôn ngữ, điển tích... Thí dụ Hoa Bằng đã dẫn câu ca dao: “Nhớ ngày mồng bảy tháng ba / Trở vào hội Láng, trở ra hội Thầy” để dựa vào niên đại hội chùa Thầy gắn với Từ Đạo Hạnh (tục truyền là tiền thân của Lý Thần Tông, ở ngôi 1128-1138) rồi từ đó khẳng định thể lục bát có trước đời Lý.


Đối với Nguyễn Đổng Chi, thời gian xuất hiện của thể lục bát còn xa hơn, khi ông xem lời ca dao: “Thương chồng nên phải gắng công / Nào ai xương sắt da đồng chi đây” có nội dung nói về Bà Trưng những năm bốn mươi đầu công nguyên, rồi suy ra thể lục bát phải có trước đó.


Phan Diễm Phương đã rất có lý khi phản bác ý kiến của cả Hoa Bằng và Nguyễn Đổng Chi bởi hai ông đã không có căn cứ để xác định những câu ca dao đó có được sáng tác đúng vào mốc lịch sử được nói trong văn bản hay không, nghĩa là nội dung văn bản chưa thể là căn cứ xác định thời điểm ra đời của thể thơ. Vả lại, mốc ra đời không hẳn đã chứa đựng thông tin về nguồn gốc của đối tượng. Cứ nhìn vào tính hoàn thiện của thể lục bát trong các dẫn chứng mà Hoa Bằng và Nguyễn Đổng Chi nêu ra đủ thấy những lời ca dao đó được sáng tác khi thể lục bát đã được sáng tạo khá hoàn chỉnh, nghĩa là nếu quả tình nó được sáng tác đầu công nguyên như ý kiến Nguyễn Đổng Chi thì thể lục bát phải có từ trước đó rất lâu. Thế nhưng, như Phan Diễm Phương đã chỉ ra, trong thực tế mãi đến thế kỷ XVI nhiều tác phẩm văn học viết vẫn còn sử dụng thể lục bát một cách “xô bồ, lỏng lẻo”. Dựa vào ý kiến của nhà ngôn ngữ học và dân tộc học Pháp, A.G. Haudricourt, khi nghiên cứu nguồn gốc thanh điệu tiếng Việt, Phan Diễm Phương cho rằng một khi đến thế kỷ thứ VI tiếng Việt mới hội đủ ba thanh (không, huyền và sắc) để có thể tạo dựng luật phối thanh cho thể lục bát, thì thể lục bát không thể ra đời trước đó.


- Hướng tiếp cận thứ hai có tính khoa học hơn, tức là: dựa vào tính chất chưa hoàn thiện của thể lục bát trong những tác phẩm văn học viết có thể xác định được niên đại, để tìm dấu vết thể thơ này. Phan Diễm Phương đã rất công phu chia sự phát triển của thể thơ lục bát làm ba giai đoạn và khảo sát thể thơ này trong một loạt tác phẩm như Đào nguyên hành, Cổ Châu Phật bản hành, Thiên Nam ngữ lục... rồi đi đến kết luận: “Ở giai đoạn thứ nhất, thể thơ còn nằm trong tình trạng khá xô bồ, lỏng lẻo, do ý thức về một khuôn mẫu còn mờ nhạt”. Sự “xô bồ, lỏng lẻo” được Phan Diễm Phương chỉ ra cụ thể “trước hết qua sự gieo vần”, “tiếp đến là về phối điệu”. Và giai đoạn một, theo xác định của Phan Diễm Phương, ở vào giữa thế kỷ XVI đến thế kỷ XVII. Những ý kiến của chị khá xác đáng, được chứng minh đầy sức thuyết phục và có thể là căn cứ để khẳng định rằng dù có nguồn gốc ở đâu thì vào giai đoạn này thể lục bát vẫn chưa được hoàn thiện. Mặc dầu không nói thẳng ra rằng thể lục bát có nguồn gốc từ văn học viết, nhưng những gì mà Phan Diễm Phương chứng minh trong công trình của mình, đều hướng người đọc đến nguồn gốc của thể lục bát từ trong văn học viết. Tuy nhiên, có lẽ những dấu tích trong các tác phẩm được chị khảo sát cũng không hẳn đã là căn cứ để khẳng định thể lục bát có nguồn gốc từ trong văn học viết giữa thế kỷ XVI, bởi vì biết đâu các tác giả này đã mượn thể lục bát từ văn học dân gian giai đoạn đó để sáng tác? Mặc dầu đã rất chặt chẽ và khoa học, nhưng trong lý sự của Phan Diễm Phương vẫn còn chỗ trống, tức là thể thơ được chị xem “còn nằm trong tình trạng khá xô bồ, lỏng lẻo, do ý thức về một khuôn mẫu còn mờ nhạt” là sản phẩm bắt đầu hay tiếp theo của thể lục bát? Nếu chứng minh được rằng trước Đào nguyên hành, Cổ Châu Phật bản hành, Thiên Nam ngữ lục... chưa có bóng dáng của thể lục bát cả trong văn học viết lẫn văn học dân gian, cũng như chưa được du nhập từ ngoài vào, thì những kết luận của chị mới hoàn toàn có sức thuyết phục.


Để chứng minh cho tính lỏng lẻo về “sự gieo vần”, Phan Diễm Phương dẫn ra ba hiện tượng:


- Trong các tác phẩm đó, ngoài vần bằng (B) còn có cả lục bát gieo vần trắc (T). (Thế nhưng, điều này trong tục ngữ, ca dao cũng có - NXĐ).


- Bắt vần ở tiếng thứ 6 là cố nhiên, nhưng cũng có khi bắt vần ở tiếng thứ 4. (Điều này cũng không hiếm trong tục ngữ, ca dao - NXĐ).


- Có trường hợp sử dụng vần ở vị trí lưỡng thể: cả ở tiếng thứ 4, lẫn ở tiếng thứ 6. (Cả điều này nữa cũng có thể tìm thấy trong tục ngữ, ca dao, mặc dầu không nhiều - NXĐ).


Còn về sự lỏng lẻo trong “phối điệu”, Phan Diễm Phương lấy bốn vị trí: 2 - B, 4 - T, 6 - B và 8 - B làm đối tượng khảo sát, trong đó có hai vị trí được chị xếp vào tình trạng lỏng lẻo là:


- Vị trí tiếng thứ 2 ở nhiều dòng thơ còn sử dụng vần trắc. (Thật ra, cái mà Phan Diễm Phương gọi là “lỏng lẻo” ở đây hiện đang tồn tại như một vị trí bất qui tắc trong tục ngữ và ca dao. Chúng tôi đã có bài viết nhan đề Về thể lục bát trong ca dao đăng trong Tạp chí Văn học số 2 năm 2002, trang 78 - 84, trong đó thống kê được 29,6% ca dao lục bát sử dụng vần trắc ở tiếng thứ 2 mà không cần một điều kiện nào – NXĐ).


- Việc sử dụng vần bằng ở tiếng thứ 4 cũng gặp trong những tác phẩm lục bát giai đoạn này. (Trong thực tế, Truyện Kiều đã 7 lần sử dụng vần bằng ở tiếng thứ 4 và hiện tượng này cũng tìm thấy trong ca dao - NXĐ).


Ngày nay, khi khảo sát thể lục bát đã hoàn thiện, người ta chỉ ra được những đặc điểm sau:


- Gồm hai dòng lục và bát (trên 6, dưới 8).


- Âm vận được qui định bởi tiếng thứ 6 dòng lục gọi là tiếng thả vần, hoặc gieo vần (có thể B hoặc T).


- Tiếng bắt vần nằm phổ biến ở vị trí thứ 6, hoặc đôi khi ở tiếng thứ 4, dòng bát.


- Luật phối thanh lục bát vần bằng (5) được qui định bởi các tiếng thuộc vị trí thứ 4, 6 và 8, trong đó tiếng thứ tư vần trắc, tiếng thứ sáu, thứ tám vần bằng và đối thanh (huyền ↔ ngang) ở dòng bát.


Về thời điểm ra đời, từ những dấu hiệu được Phan Diễm Phương chỉ ra, chúng ta có thể suy ra rằng dù xuất xứ từ đâu thì thể lục bát cũng chỉ có thể ra đời không lâu trước thế kỷ XVI. Mặt khác sự lỏng lẻo của thể lục bát cổ mà Phan Diễm Phương chỉ ra trong những tác phẩm văn học viết thế kỷ XVI hiện vẫn tồn tại đến bây giờ trong tục ngữ, ca dao, đã mách bảo chúng ta rằng không có lý gì để khẳng định thể lục bát phải bắt đầu từ những tác phẩm văn học viết mà chị khảo sát.

 


2.1. Phải nói thêm rằng thể lục bát không chỉ cần có vần và số lượng âm tiết trong mỗi dòng, mà để có được tính hài hòa, thể lục bát còn cần một luật phối thanh, phối điệu chặt chẽ. Thật ra, sự hài hòa cân đối vốn là một trong những đặc điểm của tiếng Việt. Điều đó đã được các nhà ngôn ngữ học chỉ ra trong hệ thống âm vị và thanh điệu của ngôn ngữ này. Tuy nhiên, từ sự hài hòa trong lời nói sang sự hài hòa trong một thể thơ còn là một khoảng cách. Chắc chắn trước khi sáng tạo ra thơ lục bát, lối nói vần vè, hài hòa giữa các thanh điệu đã có. Nhưng đến lúc này, để tìm ra quá trình hoàn thiện luật phối thanh của thể lục bát, chúng ta phải đi ngược qui trình trên, nghĩa là không tìm những dấu hiệu chọn dùng mà tìm những dấu hiệu thải loại trong thể lục bát, hay nói chính xác hơn, dựa vào những dấu hiệu âm vận còn để lại dấu tích nhưng không trở thành phổ biến trong thể lục bát hoàn chỉnh để tìm ra tiến trình hoàn thiện luật phối thanh của thể thơ này. Bởi xét trên nguyên lý, phế loại cũng mang dấu hiệu của chủng loại và nhờ vào những sai lệch trong đó chúng ta có thể tìm ra chính loại. Biện pháp này được các nhà ngôn ngữ học gọi là sử dụng loại tiêu chí tiêu cực. Vậy là những gì còn lại trong lục bát ở tục ngữ và ca dao mà trái với luật phối thanh của lục bát hoàn thiện có thể là dấu tích của con đường mò mẫm để có được thể lục bát ngày nay.


Trong lục bát hoàn chỉnh, ba vị trí gần như tuyệt đối phải tuân thủ luật phối thanh là tiếng thứ 4 – vần trắc, tiếng thứ 6 – vần bằng và tiếng thứ 8 – vần bằng (nhưng đối thanh ở dòng bát). Tuy thế, trong thực tế, bên cạnh tuyệt đại đa số lục bát với tiếng thứ 6 vần bằng, vẫn có những lời ca dao sử dụng vần trắc ở vị trí này, như khái quát của Phan Diễm Phương đã được nói tới trong phần trên. Tuy nhiên, trong cả bộ sưu tập “Tục ngữ, ca dao dân ca Việt Nam” của Vũ Ngọc Phan, chỉ có 5 lời ca dao ở dạng đó:


Em thương, không thương nỏ biết,
Em thốt nhiều lời thảm thiết hơn thương.


Hơn thế nữa, lục bát vần trắc không tồn tại quá hai dòng câu trong một đơn vị tác phẩm, bởi tiếng thứ 8 dòng bát của nó đã lại quay về với vần bằng:


Tò vò mà nuôi con nhện,

Đến khi nó lớn, nó quện nhau đi.

Tò vò ngồi khóc tỉ ti

Nhện ơi, nhện hỡi, nhện đi đằng nào?


Sự tồn tại hiếm hoi của lục bát vần trắc có nguyên nhân sâu xa từ xuất xứ của ca dao. Phần lớn ca dao là phần lời cơ bản của dân ca. Khi nghiên cứu cấu âm tiếng Việt trong lục bát, một nhạc sĩ đã nhận xét: Trong tiếng Việt vần bằng đóng vai trò của nốt chủ âm (tonic), là âm thanh làm cho ta dễ chịu nhất. Lục bát đã lựa chọn lối kết thúc bởi vần bằng: có khi ở dạng một đơn cung vừa (nếu là thanh ngang), hoặc có khi là một đơn cung trầm (nếu là thanh huyền), nghĩa là tác giả dân gian đã biết lựa chọn một chủ âm rất thuận lợi cho ca hát bình dân, đến mức nhiều bài hát ru con có thể hát thẳng ra như nguyên bản, không cần thêm từ đệm, từ luyến láy... Thậm chí từ một bài lục bát người ta có thể hát theo nhiều làn điệu khác nhau của dân ca các miền khác nhau.


Tình trạng không kém phần hiếm hoi của vần bằng ở tiếng thứ tư cũng là minh chứng bổ sung cho điều chúng ta đang nói tới:


Khi lên bộ, khi xuống thuyền,

Khi chung một gối, khi liền một chăn.


Hoặc:


Rầu rĩ là con chim xanh,

Đêm đêm gióng giả đỗ cành xoan đâu.


Trong 3254 câu Kiều, Nguyễn Du chỉ sử dụng vần bằng ở tiếng thứ tư bảy lần. Trong ca dao, chúng tôi chưa có điều kiện thống kê số lượng lục bát sử dụng tiếng thứ tư vần bằng, nhưng chắc chắn cũng không nhiều. Như vậy những dòng lục bát ít ỏi đang sử dụng tiếng thứ tư vần bằng cũng có thể là dấu hiệu còn lại của quá trình lựa chọn để hình thành nên luật phối thanh hài hòa cho thể thơ lục bát hiện tại với tiếng thứ tư vần trắc.


Ngay cả việc hiệp vần ở tiếng thứ tư dòng bát – lục bát quãng tư (tuy có nhiều hơn những hiện tượng nêu trên nhưng cũng không lớn lắm) cũng đã tạo ra những biến đổi trong thanh luật so với lục bát quãng sáu phổ biến. Đây cũng có thể là dấu hiệu của quá trình thải loại chưa tuyệt đối của luật phối thanh lục bát:


1 2 3 4 5 6 7 8

Cơm ăn mỗi bữa (T) một lưng (B)

Nước uống cầm chừng (B) để dạ (T) thương anh (B)


Trong cặp lục bát trên, do tiếng thứ 4 dòng bát hiệp vần với tiếng thứ 6 dòng lục nên đúng ra phải là vần trắc đã chuyển sang vần bằng, khiến cho tiếng thứ 6 (dòng bát) đáng lẽ B lại chuyển sang T, phá vỡ cả luật đối thanh (huyền ↔ ngang) giữa tiếng thứ 6 với thứ 8 dòng bát.


Những điều vừa nói trên đây đã cho ta thấy dấu hiệu về những thao tác thử nghiệm, thải loại, lựa chọn của người Việt trong quá trình phối thanh để tạo ra thể lục bát hoàn chỉnh có âm luật hài hòa êm dịu như ngày nay.


2.2. Cuối cùng cũng phải nói đôi lời về sự hội ý. Tất cả những điều được nói tới trên đây mới chỉ là sự hội tụ của những thuộc tính hình thức. Trong văn học dân gian vẫn có những hình thức không mang nội dung. Điều này khác hẵn lý luận của các nhà nghiên cứu văn học viết. Với văn học dân gian rất nhiều bài đồng dao không hề có nội dung. Với chức năng để “trẻ con hát, trẻ con chơi”, đồng dao rất cần vần điệu và phối thanh, trái lại với lứa tuổi đó nhiều khi không cần sự hội ý.


Từ thực tế đó và xét trên phương diện lý thuyết, khi có được những tiêu chí hình thức của thể lục bát hoàn chỉnh, chúng ta có thể tạo ra được những cặp lục bát... không hội ý. Thí dụ ta có thể ghép dòng sáu “Anh đi đằng ấy xa xa” vốn đi với câu “Để em ôm bóng trăng tà năm canh” với dòng tám “Trong ruột thì héo, ngoài da thì vàng” vốn đi với câu “Thương anh em chẳng nói ra”, để được một cặp lục bát vần bằng hoàn chỉnh về niêm luật: “Anh đi đằng ấy xa xa”, “Trong ruột thì héo, ngoài da thì vàng” nhưng nghĩa của hai dòng lại không khớp nhau. Loại này không tồn tại trong ca dao vì một khi chức năng biểu diễn không được đưa lên hàng đầu (như đồng dao) thì sự hội ý lại cần thiết. Nói cách khác, ca dao cần một sự hội ý và điều đó cũng in dấu quá trình hoàn thiện của thể thơ này.


Qua các dị bản, chúng ta có thể tìm thấy những lựa chọn để có được sự hội ý cao trong ca dao. Dĩ nhiên sự hình thành các dị bản có rất nhiều nguyên nhân, nhưng cũng không thể loại trừ nguyên nhân hội ý. Các dị bản nhiều khi đã thể hiện sự tìm tòi của tác giả dân gian trong việc biểu lộ tình cảm của mình.


Thí dụ người trước sáng tác câu:


Râu tôm nấu với ruột bầu,

Chồng chan, vợ húp gật đầu khen ngon.


Người thứ hai đổi lại:


…Chồng chan, vợ húp lắc đầu khen ngon.


Đến người thứ ba thì:


…Chồng chan, vợ húp lặng đầu khen ngon.


Dĩ nhiên cái thứ tự 1,2,3... là do chúng ta tự hình dung ra, nhưng việc thay đổi các từ “gật, lắc, lặng” không thể là không liên quan tới sự lựa chọn của người này so với người khác, nhằm biểu đạt đúng hơn, sát hơn ý nghĩ của mình. Đó chính là dấu vết của sự hiệu chỉnh trong hội ý.


Đến đây cũng cần đề cập tới tình trạng “không hội ý tuyệt đối” ở một số lời ca dao, thí dụ:


- Trời mưa cho ướt lá khoai,

Công anh làm rể đã hai năm ròng.

- Trời mưa cho ướt lá nem,

Mua bút mua giấy, mua nghiên học hành.

- Trời mưa cho ướt lá bầu,

Anh làm lính lệ đi hầu ông quan…


Thật ra dạng thức này lại chính là kết quả của quá trình vừa sáng tác vừa lưu truyền của ca dao, dân ca. Những dòng mở đầu thường chỉ giữ vai trò bắt vần, gợi hứng, đáp ứng tức thì nhu cầu ứng tác chứ không giữ vai trò “hội ý” như ở những lời ca dao khác.

 


3. Những gì đã nói ở trên có thể giúp ta hình dung ra đường dẫn của sự hình thành các thể thơ dân gian, trong đó đặc biệt là thể lục bát. Đường dẫn đó có nguồn gốc sâu xa từ thành ngữ nhưng bắt đầu bộc lộ rõ ở tục ngữ. Chỉ ra loại vần cách 3-5 trong tục ngữ, đối chiếu với qui tắc hiệp vần của thể lục bát, chỉ ra dấu vết của sự phối thanh, hội ý... là để hình dung ra đường dẫn của một tiến trình hình thành và phát triển của thể thơ lục bát bắt đầu từ tục ngữ, bởi tục ngữ trước tiên là lời nói. Những lối nói cách điệu hẳn phải có trước những sáng tạo văn chương và chính là cơ sở để tạo nên những tác phẩm văn chương dài hơi hơn lời nói.


Tuy nhiên đến đây lại cần phải nói thêm rằng, không phải thể lục bát đã được hoàn thiện trong tục ngữ. Tục ngữ và ca dao tuy có thời điểm ra đời khác nhau về phương diện thể loại nhưng lại có thời gian phát triển cùng nhau rất dài trong lịch sử văn hóa dân tộc, vì vậy sự ảnh hưởng qua lại lẫn nhau đã góp phần hoàn thiện thể thơ lục bát. Điều này giải thích tại sao ta vẫn bắt gặp nhiều lời tục ngữ đã có kết cấu hoàn chỉnh của thể lục bát và cũng gặp một số những lời ca dao còn ở dạng lục bát chưa chỉnh thể của thời kỳ đầu.


Còn khi văn học viết ra đời, do được cố định bằng văn bản, dấu hiệu của sự tham gia hoàn thiện thể lục bát qua từng thời kỳ của các nhà thơ càng rõ và điều này đã được Phan Diễm Phương chứng minh. Thật ra, tham gia sáng tác văn học dân gian cũng có cả các nhà “bác học” từng thời. Nguyễn Du, Phan Bội Châu... đã từng say mê trong nhiều đêm hát phường vải và sáng tạo của họ đã hòa vào trong dòng sáng tạo dân gian mà không hề giữ lại dấu ấn cá nhân như trong tác phẩm văn học viết. Bên cạnh đó dân gian còn có thể chiếm lĩnh ngay cả nhiều sáng tạo của các tác giả đã được công bố bằng chữ viết. Những bài ca dao của Bảo Định Giang, của Ngô Văn Phú là những dẫn chứng sinh động về nguyên lý này. Vậy cũng có nghĩa là các nhà “bác học” đã từng tham gia hoàn thiện thể lục bát từ trong ca dao, còn sự đóng góp của họ qua văn bản văn học viết chỉ là bước hoàn thiện tiếp theo những gì đã hình thành từ trong văn học dân gian.


Hàng loạt những chứng cứ và phân tích trên đã cho phép chúng ta kết luận được rằng cả trong tục ngữ lẫn trong ca dao người Việt vẫn còn lưu giữ rất nhiều dấu tích của quá trình hình thành, hoàn thiện thể thơ lục bát Việt Nam. Hay nói cách khác, những gì đã được hoàn thiện trong thể lục bát ngày nay đều in dấu bàn tay sáng tạo của người Việt qua tục ngữ, ca dao. Thể thơ lục bát Việt Nam do người Việt sáng tạo ra đầu tiên trong văn học dân gian và được góp sức hoàn thiện thêm bởi nền văn học viết.


Đặt lại vấn đề này chúng tôi đã thừa hưởng những thành tựu mà các công trình đi trước đã đạt được, dù đôi khi chỉ mới là những cảm nhận. Rõ ràng khi viết bài “Thể lục bát từ ca dao đến Truyện Kiều”, Nguyễn Văn Hoàn đã ngầm thừa nhận rằng lục bát bắt nguồn từ ca dao. Nguyễn Xuân Kính khi dành 20 trang viết để khảo sát thể thơ này trong ca dao, dù chỉ phác thảo sơ bộ, cũng ngầm định thể lục bát là thể thơ dân gian. Phan Diễm Phương dù chỉ nghiên cứu thể lục bát trong loại hình văn học viết cũng đã đặt ra vấn đề trên một phương pháp luận khoa học. Phan Thị Đào dù không trực tiếp đi tìm nguồn gốc thể lục bát nhưng sự dày công của chị trong việc lập các bảng thống kê cũng đem lại những thông tin bổ ích. Bùi Văn Nguyên và Hà Minh Đức tuy chưa đổ nhiều công sức nhưng cũng đã để mắt đến vấn đề này trong việc khẳng định lục bát là thể thơ dân tộc. Và trong số những người có quan tâm đến các thể thơ dân tộc phải ghi nhận công lao to lớn của Chu Xuân Diên. Mặc dầu, đối tượng nghiên cứu không phải là thể lục bát, nhưng trong công trình của mình, ông đã nêu ra được những kết luận chính xác, khoa học, mở đường cho chúng tôi thực hiện chuyên luận này. Như vậy đủ thấy các nhà nghiên cứu đã dày công, từng bước tiệm cận chân lý khoa học, mặc dầu đó là con đường dằng dặc. Hy vọng bài viết của chúng tôi cũng góp phần hướng tới đích con đường đã được nhiều thế hệ vạch ra.

 


CÁC ĐƠN VỊ LIÊN KẾT

may rang ca phe ca phe sach ca phe nguyen chat may photocopy thue may photocopy