13/ Tập san thơ Hương Sen số 14 (Phần 2).

 

HƯƠNG SEN - TẬP SAN LƯU HÀNH NỘI BỘ SỐ 14 (6 THÁNG ĐẦU NĂM 2010) PHẦN 2

 

 

 

MINH KHÂM

Đi bộ làm thơ


Điện thoại ta cầm sẵn bấm vơ

Sáng đi bộ sớm lúc sương mờ.

Gieo vần đúng luật lưu vào máy

Lập ý y niêm gửi giữ nhờ.


Say đắm hay quên, đi quá lố,

Đam mê lỡ hẹn, đến sai giờ.

Vợ nghi chập mạch nhưng không chập

Bạn hữu cho rằng đáp họa thơ.

 

 

 

 

Lê Quý Đôn, một vì sao sáng


Một vì sao sáng xứ Diên Hà

Rạng rỡ lưu danh sử nước nhà

Dẫu chẳng trạng nguyên, ngời bảng nhãn

Thì còn bác học, mãi vinh hoa.


Bảng vàng, bia đá còn vang vọng

Sứ giả nhà Thanh vẫn phục ca.

Có bậc tài cao và đức trọng

Địa linh, nhân kiệt Thái Bình ta.

 

 

 


Mong Bác sống lâu


Hôm nay sinh nhật của Người

Hân hoan với bạn, tươi cười với dân.

Trải qua chín chín mùa xuân

Bác ơi có thấy bội phần vui hơn?


Ngày xưa lặn lội chiến trường

Biết bao sử sách tỏ tường anh Văn.

Từ ba mươi bốn quân nhân

Trùng trùng điệp điệp triệu lần lớn lên.


Giặc Tây thua trận Điện Biên,

Bao nhiêu thuộc địa đổ liền theo sau.

Tiếp theo Mỹ cút, ngụy nhào

Bác ơi, công Bác ngàn sau nhớ hoài.


Giờ nhìn non nước hôm nay

Làm sao quên được những ngày gian nan.

Cầu mong Bác sống nhiều năm

Để trông con cháu lớn nhanh với đời.

 

 

 

 

NĂM DÂN

Ngàn năm Thăng Long - Hà Nội


Ơi Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội

Kể từ thuở thiên đô,

Ngàn năm chờ đợi,

Nay Trường Sơn chấp cánh hóa Rồng!

Trải Lý - Trần - Lê - Nguyễn,

Chinh chiến triền miên,

Hồng Hà lòng son thắm máu,

Thương hải hóa tang điền!

Mấy trăm năm xuôi Nam mở cõi,

Bắc Hà, Ngũ Quảng chung tay,

Cửu Long nước xoáy, sóng trào chôn xác giặc!

Lớp lớp phù sa vun đắp,

Lấn dần biển cả mênh mông,

Bát ngát cánh đồng xanh ngắt,

Phì nhiêu vựa lúa nuôi dân.

Ơi! Thăng Long - Hà Nội

Thời đại Hồ Chí Minh,

Một thuở thanh bình!

 

 


Nhớ về Tiên Thủy

Thân tặng Trọng để nhớ căn cứ Bến Tre


Tiên Thủy xa rồi, Tiên Thủy ơi!

Nhớ về Tiên Thủy, nhớ không nguôi,

Tiếng ve ran dậy trong vườn nhãn,

Ánh mắt em nhìn xao xuyến tôi!


Ngõ vắng nhà em mấy bóng cau,

Gió lùa, nắng nhạt, tán nghiêng chao,

Một chiều mưa nhẹ về thăm lại,

Một mảnh hồn tôi lạc chốn nào!


Tự dặn lòng mình nghiêm với em,

Dối người không thể dối con tim!

Rèm mi chớp nhẹ như ngầm bảo:

Ai hiểu lòng anh bằng chính em?


Anh vẫn ít lời như lúc xưa.

Nghiêm trang, lặng lẽ, dáng trầm tư.

Anh nhìn, không nói, mà em biết.

Chìm ngập hồn em trong tuổi thơ.


Không thể mất anh trong lòng em,

Bao lần tự vấn lúc thâu đêm.

Phân thân em sống, bên đời - lạnh,

Bối rối anh nhìn - em nhói tim!

 

 

 


NGỌC HOA

Hương cỏ đô thành


Mỗi chiều về ghé qua đây

Thoảng mùi hương cỏ mà ngây ngất lòng.

Nhớ quê với những cánh đồng,

Lúa ngô bát ngát cũng nồng mùa hương.


Có đàn cò tỏa muôn phương

Lặn lội tìm kiếm… mà thương cho cò.

Như cha mẹ đã từng lo

Chắp cho con những ước mơ vào đời


Bây giờ mỗi đứa một nơi

Gặp hương cỏ lại thương ơi quê mình!

 

 

 


Nhớ Trường Sơn anh đi


Anh đang đi giữa Đông Hà

Miền quê cát trắng, nhạt nhòa mưa rơi.

Núi rừng hùng vĩ em ơi…

Non xanh, nước biếc biển trời bao la.


Một thời đánh Mỹ đã qua

Máu hồng nhuộm thắm, bài ca hào hùng.

Quân đi điệp điệp, trùng trùng

Quản chi nắng núi, mưa rừng, hiểm nguy.


Trường Sơn mỗi bước anh đi

Nặng tình son sắt, lời thề Bác trao.

Bây giờ sương điểm mái đầu

Thương đồng đội ở rừng sâu không về!

 

 



Tháng Năm trên bến Nhà Rồng


Chiều nay thăm bến Nhà Rồng

Muôn ngàn thương nhớ trong lòng khôn nguôi.

Con nhìn sóng nước, lệ rơi

Thấy con tàu vẫn ra khơi hú còi.


Bác đi từ tuổi đôi mươi,

Tự do, độc lập sáng ngời cờ sao.

Những cây phượng đỏ lối vào,

Sông Sài Gòn vẫn rì rào Bác ơi.


Chúng con xin kính dâng Người

Ngàn hoa tươi thắm, ngàn lời khắc sâu!

 

 


NGUYỄN THỊ THANH

Miền quê Kinh Bắc


Thủy tổ Luy Lâu đến chùa Dâu,

Mưa nắng thời gian thay sắc màu.

Sừng sững uy nghi, ngàn năm tuổi

Nét đẹp rạng ngời tới mai sau.


Đền Đô thờ phụng tám vị Hoàng

Công Uẩn lên ngôi sử sang trang.

Kinh đô Đại Việt, Hoa Lư đó

Thăng Long – Hà Nội thủ đô nay.


Đất kinh Bắc trai tài, gái sắc

Giỏi việc nhà gánh vác giang san.

Một Nguyên phi Thái Hậu Ỷ Lan,

Lim - Nội Duệ, bà Ba Đề Thám.


Trong bóng đêm tìm về ánh sáng,

Trọn niềm tin một lòng với Đảng,

Du kích quân thiếu nhi Đình Bảng

Trí ngoan cường, trung dũng vẻ vang.


Nguyễn Văn Cừ anh dũng hiên ngang,

Ngô Gia Tự bền gan lửa máu,

Còn hơi thở quyết còn chiến đấu

Giọt máu đào đỏ thắm cờ bay.


Thắng giặc thù chung sức dựng xây

Nhà máy mới, bao công trình mới

Làng nghề xưa thỏa lòng mong đợi

Thắm cuộc đời quan họ mê say.

 

 

 


Nơi ấy ngày nay


Một miền quê mang đậm nét dân ca

Nghe ngọt ngào câu quan họ gần xa.

Bao trai gái vui mùa xuân trẩy hội,

Trống rộn lòng, khắp nơi nơi vang dội

Về chung vui du khách chốn gần xa,

Mãi ngắm nhìn áo mớ bảy, mớ ba,

Khăn mỏ quạ, yếm điều dây lưng thắm.

Say ngất ngây tôi yêu người lắm lắm,

Nét dịu dàng gái quan họ xưa nay.

Xin mời người cùng xơi miếng trầu cay

Têm cánh phượng nhớ buổi đầu gặp gỡ.

Lúm đồng tiền, má hồng anh thương nhớ.

Nhớ Bạn tình nghe câu hát giao duyên

Bến sông Tương vẫn Ngồi tựa mạn thuyền.

Con sông Cầu vẫn lơ thơ nước chảy

Bèo dạt mây trôi người ơi! chẳng thấy

Lòng vẫn đợi chờ, Ra ngó vào trông.

Đến hẹn lại lên, Con nhện giăng mùng,

Giã hội rồi lưu luyến mãi khôn nguôi,

Níu vạt áo, người ở lại người ơi

Câu quan họ thắm tình người Kinh Bắc.

 

 


Nơi ấy ngày xưa


Đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến

Nơi sinh ra bao thế hệ anh hùng.

Các đời Lý làm rạng rỡ non sông,

Sử sách lưu truyền ngàn năm còn đó.

Nòi giống Lạc hồng chung dòng máu đỏ

Truyền giống anh hùng, xây dựng nước non.

Lý Công Uẩn in đậm một dấu son

Trang sử đỏ muôn đời sau viết tiếp

Nhớ ngày xưa, bên bờ sông Như Nguyệt

Giặc tơi bời, ta chiến công oanh liệt.

Bài thơ xưa quốc công Lý Thường Kiệt

Lũ giặc kia ngươi biết nước Nam ta

Sát cánh bên nhau chung một dải sơn hà,

Trời phân định ngươi chớ nên xâm lấn.

Trên đất này mi bao lần thua trận,

Sạch bóng thù xây dựng lại giang san.

Gái Thuận Thành, Hoàng thái hậu Ỷ Lan

Chồng ra trận, vợ lo toan việc nước.

Dân an lành mạnh đoàn quân tiến bước

Dựng cơ đồ non nước Đại Việt ta.

 

 


Tiền nhân đất Bắc


Chùa Dạm Tiên Sơn với ngàn năm

Nơi ấy sinh ra một tiền nhân.

Vua Lý Công Uẩn làng Cổ Pháp

“Con” của Thiền sư Lý Khánh Vân.


Sơn Hà xã tắc đỗi lâm nguy,

Vua Lê Long Đĩnh ham ngôi vì,

Cướp ngôi tàn ác như Kiệt, Trụ

Luật đời ác báo sớm “ra đi”.


Công Uẩn lên ngôi hợp lòng dân

Thông minh tài giỏi gấp bội phần,

Nước non Đại Việt ngời trang sử

Hoa Lư Kinh thành – chốn Thăng Long.


Ngàn năm sử sách mãi ghi công

Đại Việt, Đông Đô tựa tiên rồng,

Con cháu muôn đời luôn ghi nhớ

Vua Lý trị vì rạng non sông.

 

 

 


PHAN LIÊN KHÊ

Cây bút của tôi


Nho nhỏ, đơn sơ, bút của tôi

Trải qua mưa nắng vẫn không rời.

Đoạn văn, bài toán trong trường học

Bây giờ vẫn nhớ thuở xa xôi.


Trên đường chinh chiến vượt Trường Sơn,

Đất đỏ Miền Đông những tháng năm,

Cây bút thân yêu cài túi ngực

Ghi dòng nhật ký lúc gian nan.


Quê hương đất nước được bình yên

Cây bút nâng niu như bạn hiền

Gắn bó cùng tôi trên lớp học

Những ngày gian khó vẫn kề bên.


Cho đến hôm nay bạc mái đầu

Bao năm người, bút chẳng rời nhau.

Thơ ca, xướng họa cùng bè bạn

Viết ít, hiểu nhiều, dù mấy câu.

 



Nhớ bạn


Trời xanh, mây trắng tháng tư

Phương Nam nắng gió vẫn như ngày nào.

Năm xưa chung một chiến hào,

Biết bao kỷ niệm khắc vào trong tim.


Nhớ chiều tím ngắt hoa sim,

Đồi cao, thánh thót tiếng chim gọi đàn.

Chiến tranh bom đạn bạo tàn,

Đói cơm, thiếu muối ta càng thương nhau.


Mười năm áo lính phai màu,

Mấy mươi năm nữa, mái đầu điểm sương.

Bạn tôi nằm lại chiến trường,

Có người về với quê hương cuốc cày…


Còn tôi vẫn ở lại đây

Chồn chân, mỏi gối, đến ngày nghỉ ngơi.

Tháng tư đến, dạ bồi hồi,

Bâng khuâng thương nhớ một thời tóc xanh.

 

 

 

 

Nhớ Hoàng Cầm


Gió quê vi vút ở ven sông,

Xanh mướt ngàn dâu, lúa ngập đồng

Lặng lẽ tiễn đưa cây thuốc đắng *

Âm thầm thương nhớ lá diêu bông.


Giấc mơ lay động ngàn trang sách,

Cảnh thực đắm say triệu tấm lòng.

Kinh Bắc, Thuận Thành in bóng dáng

Dù người về với chốn hư không.

* Hoàng Cầm cũng là tên một cây thuốc có vị đắng.

 

 


Nhớ mẹ

Tưởng nhớ mẹ kính yêu


Mẹ ơi một nắng với hai sương

Vất vả nuôi con bước tới trường

Khôn lớn từng ngày cùng chúng bạn

Bên con hôm sớm, nặng tình thương.


Lớn lên làm lính, con đi xa

Cấy lúa, trồng khoai, mẹ ở nhà.

Lòng nhớ thương con, ngồi tựa cửa,

Ai lên đơn vị, gửi cho quà.


Đất nước bình yên, con trở về,

Mẹ già ra tận bến sông quê

Lệ tràn đôi mắt, chiều xuân ấy,

Thương mẹ, lòng con thấy tái tê.


Nay mẹ đã về với tổ tiên

Lời ru thuở ấy, con không quên.

Ngọt bùi, cay đắng con từng trải

Những bước chân đi khắp mọi miền.


Tim con, dáng mẹ chẳng phai mờ

Mẹ vẫn trở về trong giấc mơ.

Thương nhớ mẹ hiền nay khuất bóng

Con ngồi viết tiếp những vần thơ.

 

 


Theo con đường của Bác


Thống nhất hai miền liền núi sông

Bắc Nam ta một ngọn cờ hồng.

Quê hương tươi đẹp, niềm hy vọng

Đất nước mạnh giàu, nỗi ước mong.


Đánh đuổi thực dân cùng góp sức,

Dựng xây tổ quốc vẫn chung lòng.

Cháu con tiếp bước theo đường Bác

Ghi nhớ trong tim một chữ “đồng”

 


 


Thương nhớ cụ Tú Loan

Tưởng nhớ nhà thơ Hữu Loan,

tác giả “Màu tím hoa sim”


Bâng khuâng thương cụ Tú Loan,

Trông về ngọn núi Vân Hoàn nắng mưa.

Âm thầm về với người xưa,

Hoa sim tím ngắt tiễn đưa, một chiều.


Tấm lòng chứa chất thương yêu,

Trái tim rớm máu đã nhiều tháng năm.

Tài hoa sao lắm nhọc nhằn,

Gò lưng chở đá, kiếm ăn qua ngày?


Vợ con hôm sớm sum vầy

Câu thơ, bầu rượu giãi bày tâm can.

Yên Mô, Hoa lúa chứa chan

Đây Đèo Cả, Những xóm làng đi qua…


Một thời binh lửa đã xa

Câu thơ trẻ mãi không già, Người ơi!

 

 


 

XUÂN CẢNH

Dạt dào ký ức


Nhớ ngày Ba mươi tháng Tư *

Reo vui giải phóng tưởng như nổ trời.

Hai mốt năm chiến đấu nổi sôi

Xâm lược Mỹ cút, ngụy ôi thôi nhào.

Bắc Nam sum họp nao nao

Ngày vui thắng lợi lệ trào từng cơn.

Tâm tư tình cảm nén dồn

Mẹ con, chồng vợ, xóm thôn… tuôn trào.

Non sông thống nhất đỉnh cao

Độc lập, tự chủ phất cao cờ hồng.

Hòa hợp, hòa giải cộng đồng

Chấn chỉnh xây dựng khai thông mọi bề.

Ba lăm năm  ngày ấy đến giờ

Dạt dào ký ức – bài thơ hào hùng.

* Ngày 30/4/1975

 

 


Thăng Long nghìn tuổi


Thăng Long nghìn tuổi dáng rồng lên

Thái Tổ định đô thế vững bền *

Nước Việt nghìn năm tràn nghị lực

Rồng Tiên Hồng Lạc giữ móng nền.


Thủ đô nghìn tuổi thật hiếm hoi

Thăng Long, Hà Nội tấm gương  soi.

Phong ba bão tố luôn kiên định

Lừng lẫy Rồng Tiên một giống nòi.


Trải Lý – Trần – Lê luôn hiển hách

Chí Minh thời đại ánh vinh quang **

Non sông thống nhất liền một mạch

Cương vực rạch ròi vững giang san.


Con thuyền tổ quốc vươn vai khỏe,

Biển lớn ra khơi với cộng đồng.

Năm châu bè bạn luôn mến mộ

Giàu mạnh công bằng ắt thành công.

* Thái tổ Lý Công Uẩn

** Thời đại Hồ Chí Minh.


 


Tham khảo

Lục bát thời “Kinh tế thị trường”


Sau bao nhiêu năm “gồng mình” trong kháng chiến, nhiều thế hệ nhà thơ đã từng đồng thanh cất lên bản anh hùng ca dân tộc thật khỏe khoắn vang vọng, đến lúc được trở về với nhịp sống bình thường hình như lại có phần bỡ ngỡ, thơ có phần chững lại... Vài chục năm qua, trong khi thơ nói chung còn mải mê đi tìm tòi, trải nghiệm thi pháp thì riêng thể thơ Lục bát đã không lạ lẫm ngỡ ngàng, không cần đăng đàn tranh luận, vẫn “xuất hiện ồ ạt, khiến ta phải ngỡ ngàng” (Phan Diễm Phương) và vẫn dấn thân, khẳng định những nội lực mới của thể loại.


Trong khi chờ có độ lùi về thời gian và có một sự tập hợp đầy đủ để có một tổng kết, một đánh giá đầy đủ về Lục bát thời hậu chiến và thời kinh tế thị trường, xin được mạo muội trao đổi với bạn đọc yêu Lục bát những cảm nhận về sự phát triển của thể loại truyền thống này trong vài chục năm qua như sau:


Phần 1: Một số vấn đề về nội dung cảm xúc và giọng điệu của Lục bát:


Sau bản tr¬ường ca hào sảng mà thấm thía đau thương của đoạn trường “nước non ngàn dặm”, hòa bình trở lại, con ng¬ười trở về với nhịp sống bình thường, với cảnh ngộ riêng của mình, Lục bát lại hòa trong nỗi niềm củi lửa cháo rau và đi vào chiều sâu trữ tình.

 


Xét về đề tài và cảm xúc chủ đạo, nhìn chung Lục bát giai đoạn vừa qua vẫn luôn là một cõi đi về của những nỗi niềm thân phận, những yêu thương nhớ tiếc da diết, hoài vọng với người thân (Người mẹ, người chị, người vợ, người cha còn sống hoặc đã mất), với người yêu, cố nhân, quê hương, cố hương hoặc với một thời đã qua, một cái đẹp đã mất. Lồng trong đó hoặc bên cạnh đó nó cũng thể hiện những cảm xúc với hiện thực cuộc sống hiện tại.


Nếu xem tuyển tập 300 bài Lục bát dự thi trên báo Văn nghệ trẻ (NXB Hội nhà văn - năm 2002) là một lát cắt ngang tế bào của Lục bát đương đại (tuy chưa phải cắt ngang vào hạt nhân tế bào) thì kết quả phép thống kê về chủ đề và cảm hứng chủ đạo của 300 bài Lục bát trong tập thơ này có thể xem là một căn cứ có ý nghĩa để có cái nhìn tổng thể sơ bộ về nội dung cảm xúc của Lục bát đương đại:



STT Chủ đề, cảm hứng chủ đạo

Số bài -

Tỷ lệ %
1 Thiên nhiên, quê hương đất nước, các giá trị văn hóa

54 bài

18%
2 Hiện thực cuộc sống, nỗi niềm thân phận, nhân tình thế thái và triết lý nhân sinh

59 bài

19,7%
3 Tình yêu lứa đôi (yêu thương, nhớ nhung, tiếc nuối, trách hận, hoài vọng, buồn đau)

114 bài

38,5%
4 Tri âm với các thi nhân xưa, nhận thức lại các nhân vật văn học truyền thống, về thể thơ LB, về Văn chương

17 bài

5,7%
5 Tri ân các anh hùng Liệt sĩ

8 bài

2,7%
6 Đồng đội, thời chiến tranh

5 bài

1,7%
7 Tình cảm gia đình

36 bài

12%
8 Tình bạn bè, trường lớp

5 bài

1,7%


Phản ánh hiện thực không phải là chức năng chính của Lục bát xưa nay. Trong tuyển tập trên và đăng rải rác trên báo chí hàng ngày trong khoảng vài chục năm vừa qua số bài Lục bát trực tiếp viết về hiện thực cuộc sống chiếm tỷ lệ không lớn nhưng qua việc bộc lộ tình cảm trong cảm hứng thân phận, gia đình, quê hương, đất nước... cũng có thể nói rằng thể thơ dịu dàng này của truyền thống này đã đi sát vào cuộc sống thực tại thời hậu chiến và thời kinh tế thị trường, nhất là ở những mảng hiện thực còn nhiều điều phải suy nghĩ, ngùi ngẫm, hoặc phải nói gay gắt và nghiêm khắc đấu tranh... Cuộc sống còn nhiều vất vả đói nghèo, mặn chát mồ hôi nước mắt, thậm chí còn nhiều nỗi oái oăm trớ trêu đến đau lòng... hiện lên thật nghẹn ngào trong thơ Lục bát. Đặc biệt tập trung ở hình tượng người mẹ trong cuộc sống đời thường đầy vật lộn với áo cơm, với những mất mát đã quá rõ và cả những nỗi đau âm thầm trong tinh thần, trong tình cảnh không nói được thành lời:


Áo nâu phơi vẹo bờ rào

Cái phận đã bạc còn cào phải gai

Quả cà cõng mấy củ khoai

Con thút thít mẹ nghẹn hai ba lần

(Mẹ - Nguyễn Ngọc Oánh)


Chiều nghiêng bóng mẹ trên đồng

Như cây lúa trổ lép bông, héo gầy…

(Dáng mẹ chiều nay - Huy Trụ)


Chỉ riêng Lục bát Nguyễn Duy cũng đã có hàng mấy chục bài thật thấm thía về cuộc sống cực nhọc, lam lũ, đói nghèo của người dân thời hậu chiến và lật phơi ra những lối sống, những căn bệnh tiêu cực, những cơn gió độc mới nảy nòi mà loang toàng trong xã hội thời kinh tế thị trường (Về làng, Vợ ốm, Em ơi gió...). Nhiều bài thơ phản ánh các sự kiện xã hội đời sống dân sinh như: Việt Nam có người bị nhiễm AIDS, lũ lụt đồng bằng sông Cửu Long, nàng Tô Thị bị kẻ xấu hạ sát để nung vôi (đêm rằm tháng giêng năm Tân Mùi 1991)... và cả những vấn đề chính trị nghiêm trọng của đất nước như chiến tranh biên giới Tây Nam, phía Bắc... một cách nóng hổi như những ký sự, phóng sự ngắn hay những dòng tin vắn. Nhiều khi chỉ đôi dòng thơ cũng thu vào đủ một bức tranh vừa có bề sâu hiện thực, vừa nhay nhức lòng người ở cả nhân tình thế thái và tình trạng tư tưởng văn hóa xã hội:


Từng đôi anh trước chị sau

từng bầy xe cúp lùa nhau trên đường

cũng là đi hội chùa Hương

nón mê chân đất thập phương gập ghềnh

(Đi chùa - Nguyễn Duy)


Có khi câu Lục bát (không kể dạng thơ châm) vút lên tiếng nói đấu tranh trực diện khá nghiêm khắc:

 

Chân ai thậm thịch đường dài

Lòng ai nuốt mảnh tượng đài nàng đây

Vọng chi ở phía chân mây

Người xưa hóa đá người nay hóa gì?

(Vọng Tô Thị - Nguyễn Duy)


Nhưng thường thì nó nghiền ngẫm gửi vào những ví von, những ẩn dụ thật gần gũi mà nói thật trúng, thật thấm thía sâu xa về bản chất của những hiện tượng, những quan hệ cuộc sống; Nó thường nói bằng những cách nói thật mộc mạc và cam chịu nhưng day dứt dai dẳng, lay thức con người hoặc thành những bài học nhân sinh ghi xương khắc cốt:

 


Trớ trêu nỗi Hữu Nghị quan

Giá như máu chẳng lênh loang mặt đèo

A.Q túm tóc Chí Phèo

Để hai bác lính nhà nghèo cùng đau

(Nguyễn Duy)


Tươi cái mất, héo cái còn

Tôi đem nén những nỗi buồn làm dưa

Tưởng là chớm đến vị chua

Lại ra vị đắng chẳng ngờ vì đâu

Một thời mặn nhạt cho nhau

Xót xa nào nghĩ nát màu lá xanh...


Nó cũng nhìn thấy sự đổi thay nhanh chóng của cuộc sống thời kỳ đổi mới nhưng thường là nó nhạy cảm với những mặt trái, những mất mát trong chiều sâu văn hóa và đời sống tâm hồn người Việt khi làng lên phố, hoặc trai, gái làng ra thành phố. Giọng điệu Lục bát lúc này tuy không van nài như chàng trai chân quê Nguyễn Bính, nhưng dù viết về người yêu, cố nhân hay cha mẹ ông bà, dù viết về quê hương hay đất nước thì hình ảnh làng quê với nhịp sống và lối sống nhà quê vẫn mang mang khắp mọi vần lục bát, trong đó cái yêu thì quá tỏ tường, nhưng cái buồn, cái lo, cái thảng thốt, cái tiếc nuối cũng bời bời, nhiều khi lại như nín thở vì linh cảm thấy điều chẳng lành rồi sẽ xảy ra. Chẳng phải riêng thơ Trương Vĩnh Tuấn mà rất rất nhiều bài Lục bát là “tiếng gọi văn hóa” (Đỗ Minh Tuấn) đầy lo âu khắc khoải về những đổi thay, mất còn:


Bánh chưng, bánh lá, bánh khoai

Dẻo thơm liệu có hơn nơi thị thành,

Mai về với chốn hư danh

Lại tiền lại bạc, lại thành người dưng

(Hỏi em - Trương Vĩnh Tuấn)


Hỏi người còn nhớ ta không

Hay là ra biển ra sông mất rồi

Hay là gió cuốn mây trôi

Mà xanh như lá, bạc vôi quạnh trầu

(Câu hỏi - Trương Vĩnh Tuấn)


Lạ lùng hơn là con người thời hiện đại năng động, quyết liệt, đam mê táo bạo lên bội phần nhưng khi đi vào dòng Lục bát lại tinh tế, dịu dàng và mềm yếu đến... kính nể:


Trầu ơi trầu chớ đa tình

Ta mềm yếu lắm sợ mình dễ say...

Ăn trầu ăn cái câu cười

Ăn cái ánh mắt quệt lời đâu đâu...

Trầu hay bùa ngải nhớ mong

Ta mê mẩn cái... người không têm vào.

(Say trầu - Nguyễn Minh Khiêm)


Lại cực kỳ bình dị và thiết tha thủy chung, giữ lấy nét đẹp truyền thống của quê hương, dân tộc:


Bao nhiêu là thứ bùa mê

Cũng không bằng được nhà quê của mình.

Câu thơ nấp ở sân đình

Nhuộm trăng trăng sáng, nhuộm tình tình đau

Nhuộm buồn những hạt mưa mau

Thành sao nở trắng vườn cau trước nhà.

(Bây giờ - Đồng Đức Bốn)


Có người còn quyết tâm bằng mọi giá, dốc tất hầu bao để giữ lấy cái cần giữ cho một truyền thống Việt Nam:


Đỏ đen dốc tất hầu bao

Để mua cái dải yếm đào... hôm qua!

(Mua - Trịnh Anh Đạt)


Nhìn chung, trong việc phản ánh hiện thực, Lục bát có sự lớn mạnh ở phạm vi hoạt động, ở tính thời sự và ở cái nhìn khám phá mới mẻ, đa chiều. Nó đã xích lại gần và có “xâm chiếm” (Backhtin), đan cài vào các thể loại hiện đại khác...


Về chất trữ tình, Lục bát giai đoạn này cũng khác trước rất nhiều, chủ yếu là trữ tình hướng nội. Các nhà thơ (kể từ các tác giả mới đến những tên tuổi quen thuộc trong làng Lục bát như Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, Phạm Công Trứ, Trúc Thông...) thường đi về với những tình cảm yêu thương cội nguồn, máu thịt và thường biểu hiện bằng những điệu thức của ca dao, của Lục bát cổ điển nên dòng thơ rất đỗi gần gũi mà thiêng liêng, quen thuộc mà mới lạ:


Cuộc đời buộc bụng thắt lưng

Mẹ như tằm nhả bỗng dưng tơ vàng

...

Mẹ ra bới gió chân cầu

Tìm câu hát đã từ lâu dập vùi.

(Trở về với mẹ ta thôi - Đồng Đức Bốn)


Đặc biệt mạch thơ Lục bát đã lặn sâu vào những tự bạch, tự vấn về những lỡ lầm, chậm trễ, vô tình, hờ hững và xót xa với mình, với người thân, với đồng đội... Có khi nó dội lên những trăn trở nhức nhói nhưng thật đẹp đẽ:


Tôi ăn bao giọt - mồ - hôi

Mà sao thơ chẳng mặn mòi bao nhiêu

...

Th¬ưa sao với mẹ bây giờ

Bài thơ xưa kể như lừa mẹ tôi

(Tạ lỗi cánh đồng - Trương Nam Hương)

 


Nhiều khi day dứt, hối hận đến đắng đót xót xa vì những bổn phận không tròn, những lỗi lầm - nợ nần không thể trả được:


Nợ trời nợ đất nợ em

Anh còn mang nợ tới nghìn năm sau

(Mắc nợ - Vũ Tú Nam)


Rồi những vỡ mộng, hụt hẫng đầy xót xa cho mình cho người, cho đời trước cơn lốc xã hội thời kinh tế thị trường, một số những giá trị tinh thần chân chính cao cả đã bị che lấp bởi những giá trị vật chất tầm thường ở những kẻ thực dụng:


... Bây giờ xinh đẹp là em

Em ra thành phố dần quên một thời

...

Gặp tôi em hỏi hững hờ:

“Anh chưa lấy vợ còn chờ đợi ai?”

Em đi để lại chuỗi cười

Trong tôi vỡ một khoảng trời pha lê...

(Lời thề cỏ may - Phạm Công Trứ)

 

Lăn xả vào cuộc đời từ cao sang chói lọi, đến bụi bặm dở dang, Lục bát đã bước lên cả những điểm cheo leo gai góc đầy thử thách để nhận thức lại hiện thực, nhận thức lại chính sự nhận thức của chúng ta về những thói quen, những quan niệm đạo đức, những giá trị cuộc sống... mà ta đã từng cho là tuyệt hảo, cả những chân lý mà một thời đã qua, thậm chí của cả bao nhiêu thế hệ đi trước cho là tuyệt đối. Hàng loạt bài thơ đủ các thể loại trong đó không ít bài Lục bát đã tập trung vào các nhân vật văn học đã từng được xem như là một hằng số về giá trị đạo đức và lý tưởng thẩm mỹ hoặc những quan niệm nhân sinh truyền thống của dân tộc, chính là để bày tỏ sự nhận thức lại đó: Gửi sao Thần Nông - Võ Thanh An, các chùm thơ về Thị Kính, Thị Màu, Thị Đốp, về An Dương Vương – Mỵ Châu - Trọng Thủy... của rất nhiều tác giả.


Này em em Thị Màu ơi

Phải chăng cái lẳng lơ trời cho em

Trong thiên hạ khối người thèm

Khối người cũng muốn theo em lên chùa …


Cái điệu tếu táo của Nguyễn Đình Cánh với Thị Màu đã bộc lộ một cách táo bạo và lạ lẫm nhưng trung thực về một tinh thần nhân bản của con người và về con người.


Tiêu biểu hơn là sự nhận thức lại số phận nàng Thúy Vân (Truyện Kiều) qua bài Tâm sự nàng Thúy Vân của Trương Nam Hương:


Nghĩ thương lời chị dặn dò

Mười lăm năm đắm con đò xuân xanh

Chị yêu lệ chảy đã đành

Chớ em nước mắt đâu dành chàng Kim

...

Lấy người yêu chị làm chồng

Đời em để thắt một vòng oan khiên

...

Em thành vợ của chàng Kim

Ngồi ru giọt máu tượng hình chị trao

Giấu đầy đêm nỗi khát khao

Kiều ơi, em đợi kiếp nào để yêu?


Đây là một sự nhận thức lại thật lạ lẫm, đớn đau nhưng thấu đáo, công bằng trên một tinh thần dân chủ, nhân bản và nhân văn sâu sắc. Vì vậy, thật cần thiết!


Thương mình, thương người; càng hiểu mình, hiểu đời. Mở rộng chiều thời gian: Lục bát cảm thông bênh vực cho người trong quá khứ và gửi thông điệp tới tương lai. Mở rộng chiều không gian, Lục bát không những đi mọi miền đất nước mà còn theo người đi xuất ngoại để thương lấy cả những kẻ lạc loài nơi đất khách:


Ngày đi Mat, đêm về Len

Mặt em thì dại, mặt tiền thì khôn

(Tình cờ gặp người quen trên tàu tốc hành Xêvaxtôpôn - Matxcơva của Trần Nhuận Minh)


để thu nhận thêm cái lạ trời xa:


Nắng rồ sặc máu bê tông

Giá mà làm tượng tồng ngồng đứng chơi

Vịt giời phơi cái giời ơi

Giá mà rũ ruột ra phơi cái buồn

(Paris mùa phơi - Nguyễn Duy)


và cả để trào lộng nữa:


Bia lon thỗn thện người lon

Ễnh ềnh ệch hỏn hòn hon thùi lùi

(Boston mùa phơi - Nguyễn Duy)


Có điều rất đáng quý là trong cách nghĩ, cách cảm, cách thể hiện: một mặt Lục bát cố gắng bứt phá cái cũ mòn để tìm đến cái mới tiến bộ hơn một cách sắc sảo thì mặt khác nó lại luôn luôn hướng về cội nguồn: ca dao - dân ca, Truyện Kiều để học tập và sáng tạo, trong đó giọng tập Kiều là một đặc sắc. Dân tộc ta ở thời đại nào cũng thế, hình như hễ cứ chạm đến những bi kịch người tài hoa (giai nhân hay thi sĩ), hễ cứ muốn nối lời hoặc đáp lời tri âm, hễ cứ thổn thức cùng những nỗi đau, nỗi oái oăm không nói được bằng lời thì giọng tập Kiều lại bật ra. Vừa như tất nhiên phải thế, vừa như là sự tự nhiên nhi nhiên. Hình như, chỉ có giọng điệu như của Truyện Kiều, Lục bát hiện đại mới nói thấu mọi nhẽ cho người, cho ta ở những trạng huống, những tình cảnh, những mức độ, cung bậc của nỗi niềm đó. Với giọng tập Kiều, trong nhiều bài thơ hiện đại, hình ảnh người trong truyện và người viết truyện, thi nhân xưa và thi nhân nay, thơ và đời bỗng trở nên quyện hòa, ám ảnh mãi không thôi. Và hơn thế, kẻ mất người còn, âm dương cách biệt, mặt không biết mặt mà lòng đau với lòng, tình soi thấu tình. Thành kính thiêng liêng! Hễ cứ bắt vào giọng tập Kiều là tự nhiên Lục bát có ngay một trường giao cảm thật đặc biệt mà không một thể loại nào tiếp cận được. Đó không chỉ gọi là một phương tiện nghệ thuật mà là thứ độc chiêu gia bảo của riêng dòng Lục bát mà có lẽ khó có một trường phái, một thể loại nghệ thuật nào trên thế giới tạo ra được âm điệu như thế và gặp được một “hộp cộng hưởng” từ phía người đọc ưu việt đến thế. Cảm thương sâu thẳm và khắc khoải diệu vợi. Có lẽ phải gọi nó là thứ Siêu thơ, được sáng tác và thưởng thức theo phương thức “lấy lòng mà tạ với lòng”. Và ý thức rất sâu sắc điều đó, thơ Lục bát hiện đại, đương đại đã tìm về giọng tập Kiều để giãi bày những điều sâu thẳm thiêng liêng nhất, hoặc khó nói nhất. Các bài Lục bát: Kính gửi cụ Nguyễn Du - Tố Hữu, Bên mộ Nguyễn Du - Vương Trọng (trước 1975), Bên mộ thi nhân - Trần Cao Sơn, Đọc thơ Xuân Diệu - Vũ Quần Phương, Tâm sự nàng Thúy Vân - Trương Nam Hương là những tiêu biểu... Rồi phát triển hơn nữa, thơ Lục bát hiện đại còn có cả giọng tập... các thi nhân (sau Nguyễn Du). Nào là tập Tú Xương, tập Tản Đà, tập Nguyễn Bính, tập Xuân Diệu, tập Nguyễn Duy... (tập trung ở dạng thơ chân dung nhà văn). Cuộc đời thi nhân nào càng gần Nguyễn Du ở sự tài hoa lận đận và cống hiến cho thể Lục bát bao nhiêu thì càng được lòng người sau đáp lại bằng giọng da diết tri âm tương ứng bấy nhiêu. Ví dụ viết về nhà thơ Nguyễn Bính trong tập “Đến với thơ Nguyễn Bính”  NXB TN - Hà Nội - Năm 1998 có 41 bài thơ khóc và khắc họa chân dung thi sĩ chân quê này thì có tới 29 bài được viết bằng thể Lục bát, trong đó nhại giọng Nguyễn Bính khá thành công, tương tự kiểu tập Kiều.


Một lần lỡ bước xuống đò

Sang ngang đận ấy đến giờ còn đâu

Đức dầy, phận mỏng, sông sâu

Tuổi em, tuổi chị giãi dầu canh khuya

Thôi đừng khóc nữa chị đi

Nhân gian thế sự dặn gì nữa đây?

Úp mặt vào hai bàn tay

Nỗi niềm thi sĩ bấy chầy khôn nguôi

Nghiến răng nhận lấy cuộc đời

Vu vơ sóng nước đò trôi đến giờ

(Đọc Lỡ bước sang ngang - Giang Phong)


Quả là sao càng sáng, vệ tinh quay quanh nó càng nhiều. Duyên trước đã mặn, duyên sau lại nồng.


Hơn thế, còn có cả những bài Lục bát hợp lưu cả hai giọng điệu: vừa tập Kiều vừa tập thi nhân đời sau. VD: “Đọc thơ Xuân Diệu” của Vũ Quần Phương. Cả bài là điệu tập Xuân Diệu, đoạn đầu thoáng một vài câu giọng tập Kiều thôi đã thấy xót xa nghẹn ngào trong lời người tri âm:


Thơ tình tặng khắp người ta

Hại thay... trắng một vòng hoa trên mồ

Chân đi trăm núi nghìn hồ

Gửi hương cho gió bao giờ cho xong

Chữ trên mặt giấy phập phồng

Trái tim im lặng dưới vồng cỏ may...


Sự dung hợp đó khiến cho bài thơ chỉ không đầy một trang giấy mà trải ra cả một nỗi thương cảm sâu sắc, thấm thía một sự tiếc nuối, trân trọng đối với hồn thơ mãnh liệt, trẻ trung, khát yêu khát sống đến cháy rát, nặng tình trăm phương mà duyên phận lỡ dở oái oăm của chàng thi sĩ họ Ngô tài hoa; trong đó đồng vọng lời tri âm của muôn người, thấm thía tiếc nuối cái đẹp, cái tài khi một trái tim lớn đã “im lặng dưới vồng cỏ may”. Biết đâu, mai này giọng tập Kiều, tập thi nhân này sẽ trở thành một thể loại đặc thù dùng để khóc thi nhân, hay để vĩnh biệt ng¬ười tài hoa khuất núi! Và 'Bộ sưu tập' này hẳn rất nhiều thú vị!...


Như vậy, phạm vi hoạt động, chức năng biểu đạt nội dung và cả uy lực của Lục bát từ sau 1975, nhất là từ giữa thập kỉ 80 đến nay đã lớn mạnh. Từ tư duy nghệ thuật, phư¬ơng pháp tiếp cận hiện thực đến bút pháp thể hiện đều đổi mới; Lục bát trở nên sắc sảo, linh hoạt, rắn rỏi và khoáng đạt lên rất nhiều. Riêng chất trữ tình, thơ Lục bát từ sau 1975 đến nay thật là phong phú, vừa nồng hậu, đằm thắm vừa đầy những nghĩ suy tỉnh táo và vì vật thật thẳm sâu. Đó chính là chất trữ tình đạt đến trình độ cảm xúc trí tuệ.


Trên phương diện hình thức và nội dung, chức năng và giọng điệu thơ Lục bát những thập kỷ cuối thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI đã đưa linh hồn dân tộc lớn lên cùng thời đại, phản ánh khá trung thành và sâu sắc đời sống và tâm lý, nhịp sống và điệu hồn con người Việt Nam. Nó cũng chứng tỏ được sự lớn mạnh và bản lĩnh sống của một thể thơ truyền thống cũng như tài năng và bản lĩnh của người Việt trong thời kinh tế thị trường.


Phần 2: Những cách tân về hình thức thể loại Lục bát từ 1975 đến nay:

 


Để chuyển tải cho hết những nội dung phong phú sinh động tinh tế và nóng hổi của hiện thực tâm hồn con người hiện đại, Lục bát tiếp tục củng cố những cách tân nghệ thuật thể loại từ thời Thơ mới về sự vắt dòng, chấm giữa dòng, xếp câu Lục bát kiểu bậc thang, phối thanh, ngắt nhịp linh hoạt... Tuy nhiên mức độ của những cách tân đó cao hơn, phổ biến hơn.


Về tổ chức và trình bày câu thơ: Hầu hết Lục bát đương đại đi theo tổ chức kết cấu cặp Lục bát trên 6 dưới 8 nhưng có một số trường hợp có sự cách tân như: hiện tượng câu lục rút lại, câu bát giãn ra một vài chữ có xảy ra nhưng chỉ là cá biệt.


Ví dụ: Câu lục rút lại:


Cùng là hạt mưa rơi

Thôi đừng khóc nữa những lời ca dao

Dù trong dù đục thế nào

Cả ta nữa cũng tan vào hư không

(Trích theo Nguyễn Vũ Tiềm – 1000 câu thơ tài hoa)


Có hai hiện tượng xảy ra không phải cá biệt, rất đáng lưu ý là việc trình bày cặp Lục bát có xu hướng mô đéc hóa (không thắt vào ở câu lục và nở ra ở câu bát, mà thẳng một lối) và hiện tượng cắt mỗi câu lục, câu bát làm đôi, làm ba và đặt thành hai dòng hoặc cả bài cùng một trục thẳng. Ví dụ:


Chẳng bao giờ

Trăng ngồi yên

Cứ trong văn vắt

Cứ nghiêng ngả trời

Thản nhiên trôi giữa dòng đời

Tỏa ra đến hết

Để rồi

Còn trăng


Hiện tượng vắt dòng thơ cũng đẩy lên mức độ cao hơn rất nhiều; không phải chỉ vắt nối 2 dòng mà có khi đến 4 dòng thơ mới trọn vẹn một đơn vị cú pháp. Cá biệt lên đến 6 dòng. Nguyễn Duy đã đạt kỷ lục về sự vắt dòng tràn lan từ nhan đề qua khổ thơ thứ nhất, kéo tiếp sang khổ thơ thứ 2 ở bài “Đám mây dừng lại trên trời...”


Hiện tượng câu thơ trình bày theo kiểu bậc thang nhiều hơn Lục bát của thơ mới (của giai đoạn 1945 - 1975) và đẩy đến những mức cheo leo. Câu thơ xếp bậc thang liên tục mỗi chữ một dòng:


Chia cho em một đời thơ

Một lênh đênh

một dại khờ

một tôi

Chỉ còn cỏ mọc bên trời

Một bông hoa nhỏ

lặng

rơi

mưa

dầm...

(Không đề - Nguyễn Trọng Tạo)


Đây không phải chỉ là sự lạ hóa dòng Lục bát mà là gây ấn tượng trực giác về sự tan nát của cõi lòng sau những mất mát chia lìa.


Hiện tượng chấm câu giữa dòng cũng phổ biến và tạo được hiệu quả thẩm mỹ cao. Tuy nhiên có lúc nó bị lạm dụng đến mức cực đoan:


Sài Gòn. Nên thế vẫn mưa

Em đi trong ướt nên vừa qua may

Em đi. Trong ướt thân gầy

Hở lưng nên phải che đầy bàn tay

Giọt mưa. Như thể men say

(Sài Gòn - Lê Huy Quang)


Về nhịp thơ, Lục bát sau 1975 tiếp thu sự ngắt nhịp phối thanh linh hoạt của Thơ mới và đẩy nó lên cao hơn. Có khi chỉ trong một đoạn thơ thôi mà có câu phải đọc một hơi 6 âm tiết, lại có câu được cắt thành 5 - 6 hoặc 7 tiết tấu, trong đó có đến 4 - 5 hoặc 6 nhịp 1. Sự ngắt nhịp một cách linh hoạt, nhiều dạng tiết tấu cùng đan xen này mang lại hiệu quả thẩm mỹ cao:


Dẫu tôi đã dán mắt nhìn

Dẫu tôi nghiêng ngó soi tìm quẩn quanh

Vẫn là mười ngón tay anh ( 6)

Vẫn là mắt ấy, mắt mình chứ ai! ( 4/4)

Úm ba la! - hóa... thiên tài (3/1/2)

Và tôi hóa kẻ nhầm, sai, dại, khờ. (5/1/1/1 hoặc 2/3/1/1/1)

Vỗ tay, tôi bỗng sững sờ (2/4)

Bởi yêu người - đã - dối - lừa - được - tôi. (2/1/1/1/1/1/1)

(Xem ảo thuật - Thúc Hà)


Kiểu cắt nhịp ấy gây ấn tượng rõ rệt về sự rã vụn, nát, rối của lòng người sau khi vì yêu mà bị dối lừa.


Về phối điệu, gieo vần: cơ bản là theo quy tắc của truyền thống nhưng LB hiện đại có xu hướng cãi lại truyền thống êm đềm của thể loại ở chỗ sử dụng nhiều thanh trắc ở vị trí lẻ. Có một số trường hợp có sự phá cách gieo vần ở tiếng thứ tư của câu bát như ca dao xưa theo một dụng ý nghệ thuật:


Tay ông đâu, chân ông đâu

Chuyện ở trong đầu đang nghĩ về ai

(Gửi sao Thần Nông - Nguyễn Thanh An)


Sự không bình thường trong cách gieo vần, phối thanh này gợi sự không bình thường trong cái vị được gọi là Thần Nông mà cả chân tay đầu óc đều không làm gì, nghĩ gì cho nhà nông. Rất quan liêu, vô trách nhiệm, và vì thế sự bất bình của người làm thơ cũng được hiện ra. Cơ bản Lục bát hiện đại đều dùng vần chính, vần bằng, rất hiếm thấy vần trắc nhưng sử dụng nhiều vần thông.


Tuy nhiên cái sôi động và phong phú nhất của phương tiện biểu đạt trong thơ Lục bát hiện đại, phải nói là ở sự sử dụng phương diện ngôn ngữ rất hiện đại. Là ngôn ngữ của đời sống, vừa bình dị vừa cập nhật đời sống văn hóa và tâm lý thời đại, lại sắc sảo, linh hoạt và mang dấu ấn cá tính sáng tạo của nhà thơ. Trong đó phép ẩn dụ chuyển đổi cảm giác là khâu then chốt đã tạo nên sự lung linh, đa nghĩa đầy biến ảo của những bài thơ Lục bát. Ví dụ như “trái tim mắc cạn”, “gánh mãi hoàng hôn một mình”, những là “nướng chiều thành tro”, “hong khô lại nụ cười”, những là “sỏi ôm tiếng guốc đi nằm”, Quê nhà ở phía ngôi sao / xa xôi mượn khúc ca dao làm cầu… Đó là những ẩn dụ lạ lẫm, bất ngờ và đầy hiệu quả nghệ thuật:

 


Đưa kim qua nỗi ưu phiền

Mẹ ngồi vá lại cho nguyên sự đời.

(Thi Hoàng)


Lối sử dụng từ, kết hợp từ táo bạo cùng với những phép tu từ biến ảo như thế này trong lục bát gần đây tạo ra nhiều ấn tượng thẩm mỹ sâu sắc. Ít nhất đó là những “cách nói phi thường” (Nguyễn Vũ Tiềm) làm cho thơ Lục bát không phải chỉ hay ở nhạc mà còn hấp dẫn ở lời, ở hình ảnh ấn tượng và ý nghĩa sâu xa.


Như vậy cả trên phương diện hình thức và nội dung, chức năng và giọng điệu thơ Lục bát những thập kỷ cuối thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI đã đưa linh hồn dân tộc lớn lên cùng thời đại, phản ánh khá trung thành và sâu sắc đời sống và tâm lý, nhịp sống và điệu hồn con người Việt Nam. Nó cũng chứng tỏ được sự lớn mạnh và bản lĩnh sống của một thể thơ truyền thống cũng như tài năng và bản lĩnh của người Việt trong thời kinh tế thị trường.


Từ tháng 8 năm 2008 trang web Lucbat.com mở ra với nhiều chuyên mục sát trúng đặc trưng thi pháp của thể loại và cách đặt tên giàu sức gợi, chắc chắn càng có điều kiện cho thể loại phát triển từ gốc đến ngọn, từ lý luận phê bình đến sáng tác phản ánh tư thế, tâm thế của tâm hồn Việt Nam thời @.

 


Tác giả Bùi Thị Báu

Sở GD & ĐT Thanh Hóa. ĐT: 0912560864.

---------------------

Ghi chú: Trong bài viết có dẫn thơ Lục bát theo trí nhớ, có thể một vài chỗ chưa chính xác. Mong bạn đọc lượng thứ và đính chính giùm. Xin chân thành cảm ơn.

 

CÁC ĐƠN VỊ LIÊN KẾT

may rang ca phe ca phe sach ca phe nguyen chat may photocopy thue may photocopy