Nâng cao hiểu biết pháp luật cho người lao động,

TCCSĐT - Mục đích của việc tuyên truyền, nâng cao ý thức pháp luật cho người lao động là nhằm từng bước hình thành thói quen hành động theo pháp luật; giúp người lao động giải quyết hài hòa các mối quan hệ xã hội theo pháp luật; hạn chế tình trạng xung đột trong mối quan hệ với người sử dụng lao động.


Cán bộ LĐLĐ quận 11 hướng dẫn công tác tuyên truyền

pháp luật cho BCH CĐCS Cty Nam Trung Bắc. (Ảnh minh họa)


Một trong những giải pháp hàng đầu để xây dựng được mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong mỗi doanh nghiệp là phải nâng cao hiểu biết về pháp luật cho người lao động. Có hiểu biết pháp luật thì người lao động mới có ý thức chấp hành và có thể bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, nhờ đó mới hạn chế được hiện tượng đình công, kiện tụng, tranh cãi... trong mối quan hệ giữa chủ doanh nghiệp với công nhân. Liên tục trong nhiều năm qua, đặc biệt là sau khi Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Quyết định số 31/2009/QĐ-TTg ngày 24-02-2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp từ 2009 đến 2012” ra đời, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho công nhân đã được các cơ quan chức năng từ Trung ương tới cơ sở đặc biệt quan tâm, chú trọng. Nhiều hội nghị, hội thảo về chủ đề này đã được tổ chức; nhiều văn bản đã được ban hành; các đề tài, đề án đã được thực hiện và những con số đã được thống kê. Qua đó, có thể khẳng định, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho công nhân.


Nỗ lực đổi mới cách làm, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền


Chưa nói tới nội dung tuyên truyền, chỉ xét riêng về các hình thức của công tác này, chúng ta đã có thể kể ra rất nhiều, hay nói cách khác là hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho công nhân đang được cải tiến và đa dạng hóa. Nhằm nâng cao hiệu quả, các cơ quan chức năng luôn cố gắng đổi mới nội dung, cách làm, đa dạng hóa hình thức thông tin tuyên truyền bằng các biện pháp như: phát triển số lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên; bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao chất lượng của đội ngũ này; thành lập mạng lưới các trung tâm tư vấn, văn phòng tư vấn pháp luật; xây dựng nhiều tổ tư vấn lưu động; tổ chức các buổi nói chuyện định kỳ hoặc không định kỳ cho công nhân (mô hình “Ngày pháp luật”, “Tháng công nhân”…); tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật; in ấn và phát tờ rơi; phát hành đĩa CD; xây dựng tủ sách pháp luật; sân khấu hóa (sáng tác và biểu diễn các tiểu phẩm); sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng như truyền hình, truyền thanh, báo chí…


Báo cáo tổng kết của Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng tại cuộc tọa đàm “Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật cho công nhân viên chức lao động” (cuối năm 2011), nêu rõ, trong thời gian 2 năm, các cấp công đoàn ở đây đã : Tập trung tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật có liên quan trực tiếp đến nghĩa vụ, quyền lợi của người lao động như: Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, những bài chính trị cơ bản dành cho công nhân lao động; Luật Giao thông đường bộ, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, kiến thức phòng chống HIV/AIDS, dân số kế hoạch hóa gia đình; tổ chức tuyên truyền về ý nghĩa các ngày lịch sử, các sự kiện trọng đại của đất nước; biên soạn và phát hành 1.200 tờ rơi về Công đoàn Việt Nam, 800 cuốn sổ tay “Những bài chính trị cơ bản dành cho công nhân lao động”; cung cấp trên 200 tờ rơi, 150 tờ áp phích tuyên truyền về trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của tổ chức công đoàn, của người sử dụng lao động, của người lao động, trên 500 tài liệu tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, kiến thức phòng chống HIV/AIDS; tổ chức Hội thi tuyên truyền viên giỏi về an toàn giao thông... Cử trên 30 lượt cán bộ công đoàn tham gia các lớp tập huấn cộng tác viên báo đài, tuyên truyền viên, tập huấn kiến thức pháp luật…”.


Những số liệu nêu trên chỉ là kết quả hoạt động của một tổ chức công đoàn ở một tỉnh trong thời gian hai năm. Qua đó, có thể hình dung khối lượng công việc rất lớn trong tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người lao động của các tổ chức công đoàn trên phạm vi toàn quốc.


Bên cạnh sự nỗ lực của các tổ chức công đoàn, các cơ quan chức năng cũng tích cực vào cuộc; mở rộng tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như phối hợp với các cơ quan báo chí, đài phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trong công nhân viên chức và người lao động (hình thức thi viết, sân khấu hóa và các hình thức khác).


Chính quyền một số địa phương xây dựng cơ chế khuyến khích người sử dụng lao động đầu tư cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục pháp luật cho người lao động; hỗ trợ kinh phí đầu tư, trang bị cơ sở vật chất cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác tuyên truyền cũng như hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các câu lạc bộ, mô hình tổ tự quản tại các khu, cụm công nghiệp nơi có đông công nhân lao động sinh sống.


Hiệu quả vẫn chưa cao


Cuối năm 2009, trong báo cáo về tình hình thực hiện Đề án 31 (đề án Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp từ năm 2009 đến năm 2012), Ban điều hành Đề án, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đưa ra một số kết quả khảo sát tại 7 tỉnh với sự tham gia của 700 công nhân như sau: chỉ có 6,5% số công nhân trong doanh nghiệp dân doanh và 5% số công nhân trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài biết rõ về Luật Công đoàn; tỷ lệ công nhân ở hai loại hình doanh nghiệp nói trên biết rõ Bộ luật Lao động cũng ở mức rất thấp, chỉ có 7,2% và 5,6%; Luật Bảo hiểm xã hội là 8,3% và 5%; Luật Bảo hiểm y tế là 10% và 9,1%.


Đầu năm 2010, Báo cáo sơ kết tình hình thực hiện Đề án 31 nói trên của Ban điều hành Đề án đã chỉ rõ : “Nội dung tuyên truyền ở tất cả các loại hình doanh nghiệp còn có sự chênh lệch và chỉ mới tập trung vào một số nội dung có lợi cho người sử dụng lao động như hợp đồng lao động (trên 82% doanh nghiệp thực hiện việc này), an toàn vệ sinh lao động (80,7%), tiền lương (80%) mà ít quan tâm đến các vấn đề liên quan đến quyền lợi thiết thân của người lao động như thoả ước lao động tập thể, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, đình công và giải quyết tranh chấp lao động.


Cuối năm 2011, Hội nghị sơ kết 3 năm (2009 - 2011) thực hiện tiểu đề án 3 thuộc Đề án 31 đưa ra nhận định: “khảo sát cho thấy, có từ 71 đến 83% công nhân lao động có biết về Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm Xã hội, Luật Bảo hiểm Y tế, nhưng trình độ hiểu biết chỉ ở mức "có biết".


Khảo sát của Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh tại các doanh nghiệp FDI trên địa bàn Hà Nội năm 2012 cho thấy bản thân người lao động còn thiếu tri thức về pháp luật và chưa có ý thức sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Khoảng 22% người lao động được khảo sát khẳng định họ chưa được phổ biến về những luật cơ bản liên quan đến quyền và lợi ích của họ; chỉ có 2,34% số người lao động biết dùng tri thức pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích của mình khi xảy ra tranh chấp với người sử dụng lao động.


Bên cạnh những những kết quả khảo sát nêu trên thì tình hình thực tế cũng cho thấy hiện tượng vi phạm các chế độ chính sách đối với người lao động, nhất là ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh còn khá phổ biến. Cụ thể, từ phía người sử dụng lao động, vẫn còn tình trạng ký hợp đồng lao động không đúng quy định; không ký kết thỏa ước lao động tập thể; chưa xây dựng thang, bảng lương, quy chế nâng lương, thưởng; buộc công nhân làm tăng ca, quá giờ quy định; xây dựng định mức lao động quá cao; không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động; chưa thực hiện đầy đủ các chế độ thù lao làm việc trong môi trường độc hại; chế độ cho nữ công nhân lao động... Từ phía người lao động, do kém hiểu biết pháp luật, nhất là những kiến thức liên quan đến quyền và nghĩa vụ nên việc chấp hành nội quy, quy chế, kỷ luật lao động còn hạn chế, dẫn đến tình trạng công nhân bị người sử dụng lao động áp dụng các hình thức xử phạt, gây nên sự bức xúc, tình trạng tranh chấp, đình công lãn công. Khảo sát nói trên của Viện Chủ nghĩa xã hội cho thấy có 32,89% công nhân có tranh chấp với người sử dụng lao động ở các mức độ từ xích mích, tranh cãi đến khiếu nại; 33,32% xác nhận đã có và đã tham gia lãn công, đình công. Tình trạng xung đột trong quan hệ lao động dẫn đến lãn công, đình công đã gây ra thiệt hại không chỉ cho Nhà nước, người sử dụng lao động mà cả đông đảo công nhân lao động.


Nguyên nhân từ đâu?


Có nhiều lý do, cả khách quan, cả chủ quan đã được chỉ ra, nhiều biện pháp đã được đề xuất, nhiều bất cập đã được nêu lên và những bài học kinh nghiệm đã được đúc rút. Trong các bản báo cáo tại các hội nghị sơ kết, đánh giá tình hình được các ban, ngành chức năng tổ chức từ cấp cơ sở đến cấp Trung ương, chúng ta có thể thấy nhiều nhiệm vụ đã được xác định nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả của các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho công nhân.


Tuy nhiên, qua những báo cáo này chúng ta vẫn chưa thấy vai trò của công tác nghiên cứu khoa học, cụ thể là nghiên cứu xã hội học và tâm lý học về công nhân. Không có những công trình nghiên cứu xã hội học và tâm lý học về từng nhóm đối tượng công nhân cụ thể thì khó mà đưa ra được những biện pháp tuyên truyền và phổ biến pháp luật sao cho phù hợp, thiết thực. Xét về tâm lý học, xã hội học, mỗi nhóm công nhân ngoài những đặc thù giống với đặc thù của học sinh, thanh niên (giới trẻ nói chung), còn có những đặc thù riêng. Công nhân mới từ nông thôn ra, vừa bắt đầu đi làm có mối quan tâm riêng, có tâm lý riêng, có những vấp váp riêng và sở thích riêng. Công nhân vừa kết hôn lại có những mối quan tâm khác. Công nhân đã đi làm được một số năm lại có những vấn đề của mình. Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cần có sự lựa chọn theo nguyên tắc ưu tiên. Nhóm công nhân nào cần ưu tiên trang bị những kiến thức nào trước. Nếu phổ biến đồng loạt hoặc tuyên truyền liên tục quá nhiều kiến thức thì công nhân khó mà hấp thụ. Họ sẽ cảm thấy xa vời, “chắc gì mình đã cần”. Đặc điểm chung của công nhân là làm việc nặng nhọc, phải làm tăng ca, thêm giờ, do đó hầu như không có thời gian rảnh rỗi. Sau giờ làm việc quá mệt mỏi, cộng thêm trình độ văn hóa hạn chế, tất nhiên, họ ngại đọc (nhất là đọc sách), ngại nghe những gì dài dòng, khô khan (kiểu nghe báo cáo) chưa kể đến những thuật ngữ rắc rối. Nếu có đọc hay nghe thì họ cũng sẽ chẳng hiểu được là bao và sẽ quên rất nhanh nếu chưa thấy sát sườn. Do đó, hình thức tuyên truyền cần ngắn gọn đến tối đa, cách diễn đạt phải thật đơn giản và liều lượng kiến thức phải dần dần từng ít một. Nội dung tuyên truyền cần được lựa chọn theo nguyên tắc ưu tiên, cái gì cần thiết nhất cho nhóm đối tượng nào trước hết thì phổ biến trước, cái gì chưa cần ngay thì từ từ. Qua ví dụ ở phần trên, chúng ta có thể thấy là rất nhiều kiến thức pháp luật đã được phổ biến mà chưa có sự phân loại, ưu tiên theo đối tượng và thời điểm. Một đặc điểm nữa của công nhân là hầu hết họ còn rất trẻ. Giới trẻ thường ưa thích những gì vui nhộn, hài hước, hiện đại. Vì thế, sẽ dễ nhớ, dễ hiểu hơn đối với họ nếu những kiến thức pháp luật được chuyển thành tiếu phẩm hài, hay ca dao, hò vè đời mới. Những bài nói chuyện của báo cáo viên sẽ hiệu quả hơn nếu báo cáo viên cũng trẻ tuổi và có năng khiếu hài, có thể đối thoại với công nhân bằng ngôn ngữ của giới trẻ chứ không chỉ đơn thuần là đọc báo cáo hay nói chuyện theo cách cũ. Nếu phát hiện và bồi dưỡng được những tuyên truyền viên từ trong chính công nhân thì có lẽ hiệu quả sẽ rất tốt.


Những đề tài khoa học nhằm điều tra, khảo sát, nghiên cứu về nhu cầu, nguyện vọng, tâm tư, tình cảm của từng nhóm đối tượng công nhân cụ thể chắc chắn sẽ góp phần quan trọng trong việc tìm lời giải cho bài toán làm sao để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật cho người lao động trong doanh nghiệp.


Từ một khía cạnh khác, hầu hết các sai sót, bức xúc, phức tạp, mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động thường xuất phát chủ yếu từ xung đột giữa chủ doanh nghiệp và đa số những người lao động giản đơn (lao động phổ thông). Đó là những mâu thuẫn không phải chỉ do vấn đề lương, thưởng mà còn do nhận thức, tâm lý và ý thức xã hội của đa số những người lao động giản đơn còn chưa đầy đủ, vì vậy, người sử dụng lao động có điều kiện lạm dụng, “lách luật” hoặc “lừa bịp”. Trong những trường hợp đó, hành động của người lao động đôi khi cũng mang tính tự phát, tùy tiện, cảm tính. Vấn đề đặt ra là phải thực thi chiến lược về giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực; trong đó có giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật cho người lao động; đưa nội dung giáo dục, tìm hiểu pháp luật vào chương trình đào tạo của các trường, cơ sở dạy nghề. Bên cạnh đó, luật pháp và cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp FDI cũng cần thay đổi, hoàn thiện theo hướng quy định trách nhiệm của chủ doanh nghiệp có sử dụng lao động giản đơn phải bố trí thời gian và điều kiện để mỗi người lao động có thể vừa học vừa làm, nâng cao dần trình độ nhận thức, nhất là nhận thức pháp luật. Thực hiện điều này cũng góp phần làm lợi cho doanh nghiệp vì sẽ giảm thiểu nguy cơ do hiểu biết không đúng dẫn đến xung đột, hành động tự phát, tùy tiện, thậm chí manh động của người lao động giản đơn. Qua đó, doanh nghiệp cũng đỡ thiệt hại; Nhà nước và các cơ quan chức năng cũng không phải chi phí giải quyết, đồng thời, người lao động cũng yên tâm làm việc và có thu nhập ổn định./.


An Quỳnh Thái

Theo Tạp chí Cộng sản.

CÁC ĐƠN VỊ LIÊN KẾT

may rang ca phe ca phe sach ca phe nguyen chat may photocopy thue may photocopy