1/ Hướng dẫn số 98/HD-LĐLĐ về việc hướng dẫn công đoàn tham gia thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc và tổ chức hội nghị CBCC, hội nghị người lao động.

 

(Nhấn tải về hướng dẫn)

(Mẫu 1 - Quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc)

(Mẫu 2 - Quy chế đối thoại tại nơi làm việc)

(Mẫu 3 - Quy chế hội nghị người lao động)

 

LĐLĐ TP.HỒ CHÍ MINH

LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG QUẬN 11

_________

Số: 98/HD - LĐLĐ

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

ĐỘC LẬP - TỰ DO - HẠNH PHÚC

____________________________

Quận 11, ngày 16 tháng 4 năm 2014.

 

HƯỚNG DẪN

Công đoàn tham gia thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc

và tổ chức Hội nghị cán bộ công chức, Hội nghị người lao động.

 


- Căn cứ Nghị định 60/2013/NĐ-CP ngày 19/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết khoản 3 Điều 63 của Bộ luật Lao động về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc;


- Căn cứ Nghị định 71/1998/NĐ-CP ngày 08/09/1998 của Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan; Thông tư số 10/TCCP-TCCB của Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ, Quyết định số 04/2000/QĐ-BGD&ĐT ngày 01/03/2000 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của nhà trường; Quyết định số 44/2007/QĐ-BYT ngày 12/12/2007 của Bộ Y tế ban hành quy chế thực hiện dân chủ trong các bệnh viện công lập; Thông tư Liên tịch số 09/TTLT-TCCP-TLĐLĐVN ngày 04/12/1998 của Ban Tổ chức Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Chỉ thị số 02/1999/CT-UB-NC của Ủy ban nhân dân thành phố về việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan;


- Căn cứ hướng dẫn số 02/HD-TLĐ ngày 11/02/2014 của Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh về hướng dẫn công đoàn tham gia xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc;


Ban thường vụ Liên đoàn Lao động quận 11 hướng dẫn các cấp công đoàn tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc như sau:


Phần I


CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ THAM GIA XÂY DỰNG VÀ THỰC HIỆN


QUY CHẾ DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ TẠI NƠI LÀM VIỆC


Mục 1: Công đoàn cơ sở tham gia xây dựng quy chế dân chủ.


I. Đối với doanh nghiệp chưa xây dựng quy chế dân chủ


1/ Thành lập Ban chỉ đạo xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ.


- Ban chấp hành CĐCS đề nghị người sử dụng lao động thành lập Ban chỉ đạo, Tổ xây dựng (đối với các doanh nghiệp có dưới 30 lao động) thực hiện quy chế dân chủ tại doanh nghiệp (gọi chung Ban chỉ đạo); thống nhất thành phần và số lượng thành viên mỗi bên tham gia Ban chỉ đạo; cử đại diện Ban chấp hành CĐCS tham gia thành viên Ban chỉ đạo.


- Đề xuất với Ban chỉ đạo thành lập Tổ biên tập để giúp Ban chỉ đạo xây dựng quy chế dân chủ tại doanh nghiệp.


- Ban chấp hành CĐCS lựa chọn, giới thiệu người có trình độ, năng lực đại diện cho công đoàn tham gia Tổ biên tập quy chế dân chủ. Thành viên đại diện cho CĐCS tham gia Tổ biên tập phải thường xuyên trao đổi, xin ý kiến của Ban chấp hành CĐCS trong quá trình tham gia xây dựng quy chế dân chủ tại doanh nghiệp.


2/ Tham gia xây dựng nội dung quy chế dân chủ tại doanh nghiệp.


Trong quá trình tham gia xây dựng quy chế dân chủ, CĐCS chủ động đề xuất đưa vào quy chế dân chủ những nội dung đảm bảo quyền của người lao động được biết, được bàn, được tham gia và kiểm tra giám sát (theo Điều 6,7,8,9 Nghị định 60/2013/NĐ-CP ngày 19/6/2013).


3/ Tổ chức lấy ý kiến người lao động tham gia vào dự thảo quy chế dân chủ tại doanh nghiệp.


Hình thức, cách thức tổ chức lấy ý kiến người lao động: Để đạt hiệu quả và chất lượng, việc tổ chức lấy ý kiến người lao động nên tiến hành theo 02 giai đoạn:


- Giai đoạn 1: Lấy ý kiến cán bộ quản lý và Ban chấp hành CĐCS tại phòng, ban, phân xưởng, tổ, đội sản xuất. Tổ biên tập tổng hợp ý kiến tham gia, báo cáo Ban  chỉ đạo cho ý kiến, tiếp thu hoàn chỉnh dự thảo quy chế lần thứ nhất.


- Giai đoạn 2: Ban chỉ đạo gửi dự thảo quy chế (sau khi đã tiếp thu hoàn chỉnh ở giai đoạn 1) đến phòng, ban, phân xưởng, tổ, đội sản xuất để lấy ý kiến tham gia của người lao động. Tổ biên tập tổng hợp ý kiến tham gia, báo cáo Ban chỉ đạo cho ý kiến, tiếp thu hoàn thiện nội dung quy chế dân chủ.


Sau khi hoàn thiện quy chế dân chủ, Tổ biên tập báo cáo xin ý kiến Ban chỉ đạo lần cuối trước khi người sử dụng lao động ký ban hành.


II. Đối với doanh nghiệp đã có quy chế dân chủ


1/ Công đoàn cơ sở chủ động đề nghị với người sử dụng lao động tổ chức rà soát nội dung quy chế hiện có, đối chiếu với những nội dung được quy định tại Nghị định 60/2013/NĐ-CP và các văn bản pháp luật khác có liên quan, đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung quy chế dân chủ theo đúng quy định, phù hợp với điều kiện hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.


2/ Trình tự, nội dung công đoàn tham gia sửa đổi, bổ sung quy chế dân chủ tại doanh nghiệp, thực hiện theo quy định tại tiết 1, điểm 1, mục 1 hướng dẫn này.


Mục 2: Công đoàn cơ sở tham gia tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ tại doanh nghiệp.


1/ Sau khi quy chế dân chủ ký ban hành, Ban chấp hành CĐCS phối hợp với người sử dụng lao động hoặc chủ động, tổ chức phổ biến tuyên truyền nội dung quy chế dân chủ đến toàn thể người lao động và giám sát thực hiện quy chế dân chủ.


2/ Công đoàn bộ phận hoặc Tổ công đoàn giám sát việc tổ chức thực hiện phản ánh kịp thời những vướng mắc, tồn tại về Ban chấp hành CĐCS để phối hợp với người sử dụng lao động xem xét, giải quyết.


3/ Kiến nghị với người sử dụng lao động hoặc phối hợp với người sử dụng lao động nghiên cứu sửa đổi, bổ sung những nội quy, quy chế của doanh nghiệp trái với các quy định của quy chế dân chủ.


4/ Tham gia với người sử dụng lao động định kỳ 6 tháng sơ kết, hàng năm tổng kết đánh giá việc thực hiện quy chế dân chủ; Báo cáo kết quả thực hiện quy chế dân chủ về công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.


Phần II


CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ PHỐI HỢP VỚI NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG


TỔ CHỨC ĐỐI THOẠI TẠI NƠI LÀM VIỆC


I. Công đoàn tham gia xây dựng quy chế đối thoại.


1/ Công đoàn cơ sở chủ động đề nghị với người sử dụng lao động ban hành quy chế đối thoại định kỳ tại doanh nghiệp.


2/ Việc xây dựng quy chế đối thoại phải bám sát các nội dung quy định tại Mục 1 Chương III Nghị định 60/2013/NĐ-CP ngày 19/6/2013 và phù hợp với loại hình, đặc điểm sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.


3/ Khi tham gia xây dựng quy chế đối thoại công đoàn đề nghị đưa vào quy chế đối thoại:


+ Các nguyên tắc đối thoại, các nội dung đối thoại định kỳ, đối thoại đột xuất; thành phần, số lượng thành viên mỗi bên tham gia đối thoại và biên bản kết quả từng nội dung đối thoại.


+ Quy định người lao động được đề xuất nội dung đối thoại; được tham gia ý kiến vào những vấn đề, nội dung đối thoại với người sử dụng lao động.


+ Quy định người lao động được quyết định nội dung nào cần đối thoại, nội dung nào cần ưu tiên đối thoại; quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm chuẩn bị cơ sở vật chất cho các buổi đối thoại.


II. Số lượng, thành phần, tiêu chuẩn thành viên đại diện tập thể người lao động tham gia đối thoại.


1/ Số lượng thành viên đại diện tập thể người lao động tham gia đối thoại:


Số lượng thành viên đại diện tập thể người lao động tham gia đối thoại do Ban chấp hành CĐCS hoặc đại diện Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp quyết định phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp, số lượng thành viên đại diện mỗi bên tham gia đối thoại phải có ít nhất là 03 người.


2/ Thành phần tham gia đối thoại:


2.1/ Đối với doanh nghiệp đã thành lập CĐCS, thành phần gồm:


- Các Ủy viên Ban chấp hành CĐCS doanh nghiệp.


- Các thành viên đại diện bên tập thể người lao động được bầu tại Hội nghị người lao động.


2.2/ Đối với doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở, gồm:


- Người đại diện Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.


- Các thành viên đại diện bên tập thể người lao động được bầu tại Hội nghị người lao động do người đại diện Ban chấp hành Công đoàn cấp trên trực tiếp đề cử trên cơ sở lựa chọn trong danh sách người lao động từ các phòng, ban, phân xưởng, đội sản xuất hoặc tổ sản xuất giới thiệu lên và hội đủ các tiêu chuẩn thành viên tham gia đối thoại quy định trong quy chế dân chủ tại doanh nghiệp.


2.3/ Tiêu chuẩn thành viên tham gia đối thoại:


- Có hiểu biết về pháp luật lao động và công đoàn, chế độ chính sách đối với người lao động, các nội quy, quy chế của doanh nghiệp.


- Có hiểu biết về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống, việc làm của người lao động và được người lao động tín nhiệm.


- Có khả năng thuyết trình, thuyết phục hoặc phản biện.


- Thời hạn thực hiện hợp đồng lao động ít nhất đủ từ 12 tháng trở lên.


III. Quy trình đối thoại định kỳ tại nơi làm việc.


1/ Đối thoại định kỳ: thực hiện theo các nội dung quy định tại Điều 12 Nghị định 60/2013/NĐ-CP.


2/ Đối thoại đột xuất hoặc đối thoại khi một bên có yêu cầu là cuộc đối thoại để giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp thiết, nhằm ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh, tránh xung đột dẫn đến tranh chấp lao động, đình công tại doanh nghiệp.


Trình tự, thủ tục tiến hành cuộc đối thoại đột xuất hoặc đối thoại khi một bên có yêu cầu được thực hiện như cuộc đối thoại định kỳ nhưng được tiến hành khẩn trương hơn.


Phần III


CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ THAM GIA TỔ CHỨC TỔ CHỨC HỘI NGHỊ CÁN BỘ CÔNG CHỨC VÀ HỘI NGHỊ NGƯỜI LAO ĐỘNG


I/ Về tổ chức Hội nghị cán bộ công chức:


a/ Công đoàn cơ sở trong các đơn vị hành chính, sự nghiệp, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội tham gia với thủ trưởng cơ quan, đơn vị tổ chức Hội nghị CBCC thực hiện theo quy định tại Thông tư Liên tịch số 09/TTLT-TCCP-TLĐLĐVN ngày 04/12/1998 của Ban Tổ chức Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Để bảo đảm quyền dân chủ của người lao động tại Hội nghị CBCC, ngoài đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức nên mời thêm tất cả người lao động (nếu là Hội nghị toàn thể), hoặc mời đại diện của số người lao động (nếu là Hội nghị đại biểu) đang làm việc theo Hợp đồng lao động quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ tham dự.


b/ Đối với cơ quan, xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã) tuy pháp luật chưa quy định thuộc phạm vi đối tượng áp dụng, nhưng để bảo đảm thực hiện quyền dân chủ của cán bộ, công chức đang công tác tại đây, công đoàn cơ quan xã phối hợp với người đứng đầu cơ quan hành chính xã hoặc được ủy quyền vận dụng quy định tại Thông tư liên tịch số 09/1998/TTLT-TCCP-TLĐLĐ ngày 04/12/1998 về tổ chức Hội nghị CBCC.


c) Tổ chức và hoạt động Ban Thanh tra nhân dân trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước (kể cả doanh nghiệp cổ phần có trên 50% vốn điều lệ do Nhà nước sở hữu), doanh nghiệp thuộc các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội thì tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân thực hiện theo quy định tại Luật Thanh tra năm 2010. Công đoàn cấp trên cơ sở có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Thanh tra nhà nước cùng cấp tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho Ban Thanh tra nhân dân trong các cơ quan, đơn vị; Hướng dẫn CĐCS chỉ đạo hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp bảo đảm hoạt động thiết thực và hiệu quả.


d/ Đối với các cơ sở Trường học, bệnh viện,… ngoài công lập đã có công đoàn cơ sở thì vận dụng văn bản hướng dẫn thực hiện quy chế dân chủ của Bộ, Ngành Trung ương (nếu Bộ, Ngành nào chưa có hướng dẫn thì vận dụng Thông tư liên tịch số 09/1998/TTLT-TLĐLĐVN-TCCBCP) để tổ chức hội nghị dân chủ trực tiếp cho công nhân lao động. Về nội dung tổ chức hội nghị ở các đơn vị này đề nghị có thêm nội dung ký kết Thỏa ước lao động tập thể theo quy định của Bộ luật Lao động về thỏa ước lao động tập thể.


đ) Quy trình tổ chức Hội nghị CBCC:


a. Chuẩn bị của Thủ trưởng:


- Kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị CBCC; đánh giá việc thực hiện kế hoạch công tác và hoạt động tài chính của cơ quan trong năm, chỉ tiêu kế hoạch công tác năm tiếp theo.


- Kiểm điểm việc thực hiện Quy chế dân chủ trong năm và điều chỉnh, bổ sung quy chế phù hợp yêu cầu quản lý cơ quan: Quy chế thi đua khen thưởng, Quy chế sử dụng chi tiêu nội bộ; Quy chế bồi dưỡng, đào tạo lại chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, Quy chế thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Quy chế sử dụng tài sản công …


- Công khai cho cán bộ, công chức biết về kinh phí hoạt động trong năm, bao gồm kinh phí do ngân sách cấp và các nguồn thu khác, quyết toán kinh phí trong năm của cơ quan.


- Trao đổi, đối thoại, giải đáp ý kiến của công chức, viên chức và người lao động, đề ra các giải pháp để thực hiện nhiệm vụ công tác chuyên môn và chăm lo đời sống của cán bộ công chức, viên chức cơ quan. Dự thảo bổ sung sửa đổi các nội quy, quy chế cơ quan.


b. Chuẩn bị của Ban chấp hành Công đoàn cơ sở:


- Tổ chức lấy ý kiến đóng góp của cán bộ công chức, viên chức và người lao động ở cơ sở thật chu đáo về nội dung, thời gian, tổ chức hội nghị góp ý, tổng hợp, phân loại ý kiến trình Thủ trưởng cơ quan, để có hướng giải trình.


- Giải đáp các kiến nghị của cán bộ công chức thuộc phạm vi trách nhiệm của Công đoàn cơ sở, cơ quan như sử dụng kinh phí công đoàn, công tác tổ chức các hoạt động của Công đoàn.


- Ban chấp hành Công đoàn cơ sở làm việc với Ban Thanh tra nhân dân để góp ý báo cáo kết quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân trong năm và Chương trình hoạt động TTND năm tiếp theo; tổng hợp báo cáo kết quả phong trào thi đua trong năm và phát động đăng ký thi đua năm tiếp theo, công bố kết quả đăng ký thi đua của toàn đơn vị.


II-Tham gia xây dựng quy chế tổ chức Hội nghị Người lao động.


1/ Công đoàn cơ sở chủ động đề nghị với người sử dụng lao động xây dựng quy chế tổ chức Hội nghị người lao động tại doanh nghiệp. Việc xây dựng quy chế tổ chức Hội nghị  người lao động đảm bảo các nội dung quy định tại Mục 2 Chương III Nghị định 60/2013/NĐ-CP và phù hợp với loại hình doanh nghiệp, tình hình thực tiễn, đặc thù sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.


2/ Trong quá trình tham gia xây dựng quy chế, công đoàn cơ sở đề nghị đưa vào quy chế:


+ Quy định công khai cho người lao động biết nội dung các báo cáo được trình bày và thảo luận tại Hội nghị người lao động; những nội dung phải biểu quyết thông qua tại Hội nghị người lao động; Nội dung Nghị quyết Hội nghị người lao động.


+ Cần có quy định người lao động tham gia ý kiến vào nội dung các báo cáo trước, trong quá trình diễn ra Hội nghị người lao động.


+ Các quy định nguyên tắc, hình thức thông qua những nội dung quan trọng liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động; biểu quyết thông qua nội dung thỏa ước lao động tập thể, nghị quyết Hội nghị người lao động và các nội dung quan trọng khác.


III- Trách nhiệm của Công đoàn cơ sở trong tổ chức Hội nghị người lao động.


1/ Chuẩn bị Báo cáo các nội dung được phân công, gồm: Giám sát tình hình doanh nghiệp thực hiện các chế độ, chính sách cho người lao động, cải thiện điều kiện lao động; thực hiện quy chế dân chủ tại doanh nghiệp, thực hiện kết quả các cuộc đối thoại tại doanh nghiệp,... nội dung sửa đổi, bổ sung hoặc ký mới thỏa ước lao động tập thể đưa ra thông qua tại Hội nghị người lao động.


2/ Tổng hợp các kiến nghị của người lao động tại Hội nghị người lao động phòng, ban, phân xưởng, đội sản xuất trong doanh nghiệp.


3/ Báo cáo kết quả phong trào thi đua, khen thưởng; báo cáo kết quả và phương hướng hoạt động Ban thanh tra nhân dân tại doanh nghiệp (đối với doanh nghiệp nhà nước).


4/ Chuẩn bị nhân sự giới thiệu cho Hội nghị người lao động bầu thành viên đại diện tập thể người lao động tham gia đối thoại tại doanh nghiệp, bầu Ban thanh tra nhân dân (đối với doanh nghiệp nhà nước).


5/ Phổ biến và giám sát việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị người lao động; cùng người sử dụng lao động định kỳ đánh giá thực hiện Nghị quyết Hội nghị người lao động.


IV- Công tác chuẩn bị Hội nghị người lao động.


1/ Công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng kế hoạch tổ chức Hội nghị người lao động và tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo phân công.


2/ Trường hợp doanh nghiệp tổ chức Hội nghị đại biểu người lao động hoặc tổ chức Hội nghị người lao động tại các phòng, ban, phân xưởng, tổ, đội sản xuất thì Ban chấp hành CĐCS cần hướng dẫn công đoàn bộ phận hoặc tổ công đoàn phối hợp chuyên môn đồng cấp chuẩn bị nội dung, báo cáo và cách thức tổ chức Hội nghị người lao động tại bộ phận đó.


3/ Phân công trong Ban chấp hành chuẩn bị từng nội dung báo cáo thuộc trách nhiệm của công đoàn, bao gồm các nội dung báo cáo nêu tại khoản 1,2,3 và 4 Mục III Phần III hướng dẫn này.


V- Công đoàn cơ sở tham gia tổ chức Hội nghị người lao động.


1/ Chủ tịch CĐCS tham gia Đoàn chủ tịch Hội nghị, cùng người sử dụng lao động chủ trì Hội nghị người lao động.


2/ Chủ tịch CĐCS trình bày các báo cáo theo nội dung được phân công chuẩn bị.


3/ Trả lời chất vấn liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của công đoàn.


4/ Thông qua nội dung thỏa ước lao động tập thể (mới, hoặc sửa đổi, bổ sung), nếu đủ điều kiện tổ chức hai bên ký kết ngay trong hội nghị.


5/ Giới thiệu nhân sự để hội nghị bầu thành viên đại diện tập thể người lao động tham gia đối thoại; bầu Ban Thanh tra nhân dân (đối với doanh nghiệp nhà nước).


6/ Phát động phong trào thi đua (nếu)


VI- Tổ chức thực hiện Nghị quyết Hội nghị người lao động.


1/ Tham gia tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị người lao động.


2/ Chủ động triển khai các nội dung thuộc trách nhiệm của công đoàn cơ sở đã được Hội nghị người lao động thông qua.


3/ Kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết Hội nghị người lao động.


4/ Tham gia với người sử dụng lao động định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá thực hiện Nghị quyết Hội nghị người lao động. Định kỳ 6 tháng, một năm báo cáo công đoàn cấp trên trực tiếp về kết quả tham gia tổ chức Hội nghị người lao động và giám sát thực hiện Nghị quyết Hội nghị người lao động, những tồn tại, vướng mắc, nguyên nhân; kiến nghị, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn.


Phần IV


TỔ CHỨC THỰC HIỆN


II. Liên đoàn Lao động quận 11:


1/ Tổ chức hoặc phối hợp với Chính quyền, chuyên môn cùng cấp tuyên truyền các quy định của pháp luật về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đến cán bộ công đoàn, người lao động, người sử dụng lao động thuộc phạm vi quản lý.


2/ Tổ chức tập huấn cho cán bộ công đoàn cơ sở, người sử dụng lao động nội dung NĐ 60/2013/NĐ-CP ngày 19/6/2013 của Chính phủ và các quy định pháp luật khác liên quan đến thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.


3/ Hướng dẫn công đoàn cơ sở tham gia xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ, phối hợp tổ chức đối thoại và tham gia tổ chức Hội nghị người lao động tại doanh nghiệp theo hướng dẫn của LĐLĐ Thành phố.


4/ Định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo công đoàn cấp trên kết quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đối thoại và Hội nghị người lao động trong các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý.


5/ Đối với doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn.


+ Khi nhận được yêu cầu đề nghị của người lao động, phải cử người đại diện Ban chấp hành công đoàn cấp mình vào làm việc với người sử dụng lao động để bàn, trao đổi thống nhất kế hoạch phối hợp xây dựng quy chế dân chủ, tổ chức đối thoại và Hội nghị người lao động.


+ Thông báo cho người lao động biết kế hoạch công đoàn cấp trên; đại diện cho người lao động tổ chức việc tham gia xây dựng quy chế dân chủ, tổ chức đối thoại và Hội nghị người lao động.


+ Hướng dẫn người lao động thực hiện các quyền, trách nhiệm của họ được quy định trong quy chế dân chủ tại doanh nghiệp, trợ giúp công đoàn cơ sở thực hiện quyền đại diện tập thể người lao động theo quy định của pháp luật.


III- Về thời điểm tổ chức Hội nghị CBCC, Hội nghị CNVC và Hội nghị người lao động:


Căn cứ nội dung hướng dẫn tổ chức Hội nghị cán bộ công chức, Hội nghị công nhân viên chức và Hội nghị người lao động năm 2014, các công đoàn cơ sở trực thuộc tổ chức thực hiện quý 1 hằng năm và báo cáo kết quả, kèm theo tài liệu  (Nghị quyết HN CBCC, nội quy cơ quan) về Liên đoàn Lao động quận 11 theo hướng dẫn hằng năm.


Đối với Công ty TNHH và Công Ty cổ phần, thời điểm tổ chức Hội nghị người lao động khi công ty có kế hoạch sản xuất kinh doanh của năm được Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị thông qua, các công đoàn cơ sở trực thuộc tổ chức thực hiện quý 1 hằng năm và báo cáo kết quả, kèm theo tài liệu (Bản thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động) về liên đoàn Lao động quận 11 theo hướng dẫn hằng năm.


Trên đây là nội dung hướng dẫn công đoàn cơ sở tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, đề nghị các cấp công đoàn cơ sở cần tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, Ban chỉ đạo Quy chế dân chủ cùng cấp chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc tổ chức thực hiện và gửi báo cáo kết quả về Liên đoàn Lao động quận 11. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị báo cáo về Liên đoàn Lao động quận 11 (qua Ban Chính sách Pháp luật) để được hướng dẫn.


Nơi nhận:

- TT.LĐLĐ/TP;

- BCĐ Quy chế dân chủ Q11;

- BDV Quận ủy 11;

- BTV, BCH, UBKT LĐLĐ Q11;

- Các ban chuyên đề LĐLĐ Q11;

- BCH, CĐCS trực thuộc;

- Các ban chuyên đề LĐLĐ quận 11;

- Lưu.

TM. BAN THƯỜNG VỤ

PHÓ CHỦ TỊCH

 


(Đã ký)

 


NGUYỄN TUẤN



 

Biên tập: Nguyễn Vương.

CÁC ĐƠN VỊ LIÊN KẾT

may rang ca phe ca phe sach ca phe nguyen chat may photocopy thue may photocopy